Tình hình ở New Delhi, thủ đô Ấn Độ đang xấu đi từng giờ. Hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương trong các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn. Nguy cơ chia rẽ sắc tộc đang thách thức chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi hơn bao giờ hết.
Bạo lực leo thang tại New Delhi.
Chia rẽ và bạo loạn
Tính đến hết ngày 27/2 đã có ít nhất 17 người bao gồm 1 nhân viên cảnh sát đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ biến thành bạo loạn ở thủ đô New Delhi.
“Chính quyền đã tăng cường lực lượng an ninh phun hơi cay, bắn đạn cao su, vụt gậy khống chế để đối phó với những người biểu tình ném đá và bom xăng vào cảnh sát. Bạo loạn cũng khiến gần 200 người bị thương”- Hãng tin CNN miêu tả. Vẫn theo CNN, tình hình xấu đến nỗi các phóng viên cũng bị đám đông dồn ép, ném đá và cưỡng bức xóa đi những đoạn hình bạo lực ghi được trên đường phố cùng những đe dọa khác.
Trong khi đó, cảnh sát và lực lượng an ninh tại thủ đô New Delhi tỏ ra bất lực. Để đảm bảo tình hình trong kiểm soát, thủ hiến New Delhi, ông Arvind Kejriwal buộc phải kêu gọi chính quyền Trung ương áp đặt lệnh giới nghiêm và triển khai quân đội tại các khu vực.
Các cuộc biểu tình tại New Delhi bắt đầu khi các bất mãn sắc tộc dâng cao với việc Đạo luật sửa đổi quyền công dân mới (CAA) được thông qua tại Ấn Độ (ngày 11/12/2019). Đạo luật vốn cho phép nhập quốc tịch đối với những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số của Pakistan, Afghanistan và Bangladesh nhập cư trái phép vào Ấn Độ trước ngày cuối cùng của năm 2014. Tuy nhiên, CAA lại không đưa người Hồi giáo nằm trong diện nhập tịch. Người Hồi giáo đã xuống đường phản đối Đạo luật trên bởi lo sợ trở thành “thiểu số” và cho rằng đạo luật này vi hiến.
Theo Đài NDTV, Đạo luật CAA đã vô tình chia rẽ Ấn Độ, khi nước này hiện có 200 triệu người theo đạo Hồi, trong khi đa phần người dân lại theo Hindu giáo. Chính quyền cầm quyền hiện cũng theo Hindu giáo do đảng Quốc gia Hindu - Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền.
Sự chia rẽ ấy đã đến ngay sau 3 ngày Đạo luật được thông qua. Đêm ngày 15/2, một cuộc tuần hành lớn của các sinh viên tại Trường ĐH Hồi giáo Aligarh với sự tham gia của sinh viên các trường ĐH Maulana Azad Urdu và Banaras Hindu.
Cuộc tuần hành đã dẫn tới đụng độ với lực lượng cảnh sát sau khi bị chặn lại khiến ít nhất 10 cảnh sát và 30 sinh viên bị thương, buộc chính quyền New Delhi phải đóng cửa nhiều trường đại học nhằm cứu vãn tình hình.
Ngày càng khó cho ông Modi
Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2019, Đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ của ông Narendra Modi đã giành chiến thắng áp đảo so với các đảng phái khác. Điều này khiến ông Modi đã được ca ngợi là nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất Ấn Độ trong nhiều thập kỷ.
“Tuy nhiên, đường lối của ông Modi là ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và Ấn Độ giáo đang khiến ông phải trả giá, CAA chỉ là động thái mới nhất trong một loạt các bước mà ông Modi đã thực hiện trong chương trình nghị sự của mình, nhằm thúc đẩy học thuyết về chủ nghĩa dân tộc của mình”- theo truyền thông phương Tây .
Ngay lập tức các chính sách và học thuyết của ông Modi phải trả giá khi ảnh hưởng chính trị của Đảng BJP đã liên tiếp bị thu hẹp. Theo một cuộc khảo sát chính trị gần đây, nếu như năm 2018, BJP đã đạt được sự ủng hộ tuyệt đối ở 21/ 29 tiểu bang của Ấn Độ thì đến năm 2019 trong các cuộc bầu cử tiểu bang con số kiểm soát của BJP chỉ còn là 15/29. Gần đây nhất, BJP đã mất vị trí tại bang Jharkhand phía Đông cho một liên minh do đảng đối lập chính của BJP.
Nhưng đối với cá nhân ông Modi, các cuộc biểu tình và sự bất mãn ngày càng tăng với những ảnh hưởng sâu tới nền kinh tế còn có thể có tác động rộng lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng chính trị khác.
Chỉ tiêu kinh tế của ông Modi đặt ra như đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế có quy mô 2.900 tỷ USD hiện tại lên 5.000 tỷ USD vào năm 2024 hiện đang khó đạt được. Để hiện thực hóa điều này, Ấn Độ cần phải đạt mức tăng trưởng 12%/năm trong 4 năm tới.
“Với những bất ổn và mâu thuẫn gia tăng hiện nay, chỉ tiêu này của chính quyền của ông Modi gần như không thể. Tất cả đang không ủng hộ và sẽ ngày càng khó cho ông Modi cả về kinh tế lẫn chính trị” - Arindam Bhattacharya - Giám đốc Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group bình luận.