Hiện nay, vấn nạn bạo lực trong giới trẻ ngày càng gia tăng, chỉ cần gặp những va chạm, xô xát nhỏ, giới trẻ có thể hành xử một cách thô bạo. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, từ gia đình, nhà trường hay từ ảnh hưởng trên mạng xã hội?
Vấn nạn bạo lực giới trẻ
Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến vấn nạn bạo lực trong giới trẻ. Điển hình như vụ việc nam thanh niên liên tiếp đạp, đá, dùng gậy đánh vào một nữ dinh sau khi va chạm giao thông, video clip vụ việc này lan truyền trên mạng vào chiều ngày 7/12.
Vụ việc xảy ra tại đường Bùi Ngọc Thu, phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Hiện, công an đã vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Tấn Thảnh (29 tuổi) về tội Cố ý gây thương tích, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, ngày 10/12, chị T.M.Y. tìm sự kiếm giúp đỡ của cộng đồng mạng, xin video clip tại khu vực cổng trường Trung cấp nghề cơ khí Gia Lâm vào khoảng thời gian chiều ngày 8/12 do con chị bị đánh. Nguyên nhân của vụ việc là do trước đó con chị có va chạm giao thông với một bạn, sau đó, người bạn đó có gọi “anh em” đến quây đánh con chị. Hậu quả của sự việc là con chị bị sưng mặt mũi, chảy máu, gãy 2 răng cửa.
Đây là chỉ số ít trong nhiều vụ việc về vấn nạn bạo lực trong giới trẻ được đăng tải video clip trên mạng xã hội thời gian qua. Trước đó, có nhiều video clip các nữ sinh xảy ra xô xát, đánh nhau cũng được đăng tải lên mạng.
Nỗi lòng của cha mẹ
Chị T.M.Y. chia sẻ, khi con chị gặp phải sự việc như vừa qua, với tư cách một người mẹ, chị thật sự phẫn nộ, buồn và lo lắng cho con. Con chị bị ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khoẻ và cả ngoại hình do hai chiếc răng cửa bị gãy. Một phần, chị động viên con, điều trị vết thương cho con. Bên cạnh đó, chị cũng báo sự việc tới nhà trường và công an yêu cầu xử lý trường hợp này.
Chị T.M.Y. cho biết, chị không mong muốn các gia đình những bạn đã đánh cháu bồi thường, cái chị cần là các bạn đó biết nhận lỗi và hiểu việc làm tổn hại sức khoẻ người khác là điều không được phép.
Đây có lẽ hầu hết là tâm lý của các bậc phụ huynh khi con bị như vậy, thương con và phẫn nộ khi con mình bị ảnh hưởng từ sức khoẻ đến tâm lý. Và các bậc cha mẹ cũng mong muốn, những người có hành động bạo lực với con em mình phải nhận thức được “cái sai”.
Nguyên nhân
Theo chị Nguyễn Mỹ Hạnh, một người nghiên cứu các phương pháp giáo dục mới cho trẻ, vấn nạn bạo lực trong giới trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ gia đình, nhà trường và mạng xã hội.
Đối với nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình, những bạn trẻ “thích dùng bạo lực” để giải quyết vấn đề mình gặp phải có thể do bố mẹ những bạn đó chưa thật sự sâu sát với con cái, bỏ qua những tín hiệu có liên quan đến xu hướng bạo lực của con từ nhỏ để uốn nắn và điều chỉnh con.
Đơn giản, nếu con thích tranh giành, thích bắt nạt, thích vượt trội,… mà bố mẹ “sơ suất” không dành thời gian nhiều cho con, đồng hành cùng con, khi lớn lên, con sẽ tiếp tục “phát triển” những tính cách đó – “mầm mống” của những hành vi bạo lực. Bố mẹ cần dạy con biết yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh bởi những đứa trẻ như vậy sẽ thường không muốn “làm đau” người khác.
Đối với nguyên nhân xuất phát từ phía nhà trường, chị Nguyễn Mỹ Hạnh chia sẻ, “những lời nhận xét tiêu cực, những lời chỉ trích liên quan đến học tập của giáo viên thường ảnh hưởng rất nhiều đến sự tự tôn của một đứa trẻ”. Chính vì vậy, nhiều khi trẻ ức chế nhưng không phản ứng lại được với thầy cô, cha mẹ thì trẻ sẽ “tìm chỗ” để trút bực. Những việc xô xát, bạo hành, bạo lực là để “giải toả tâm lý nổi loạn”.
Và đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, giới trẻ bị ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội. Những hình ảnh hầm hố, “anh chị” trên mạng xã hội được tung hô khiến giới trẻ coi việc đó là một tiêu chuẩn để thể hiện mình. Đây là sự lệch lạc về “tiêu chuẩn cộng đồng” và cứ ngấm dần vào trẻ rồi bột phát lúc nào không hay. Chỉ cần có người rủ rê là trẻ bị cuốn ngay vào việc “đánh đấm” mà cần quan tâm đến hậu quả.
Chính vì vậy, cha mẹ cần “theo sát” con trong từng giai đoạn phát triển, kịp thời “uốn nắn” con, chia sẻ với con để tránh trường hợp con bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến “bạo lực”.