Sáng 15/10, những cơn mưa lớn lại trút nước xuống Quảng Nam. Người dân ở vùng ngập nặng vừa qua vừa tất bật dọn dẹp nhà cửa, đường sá lại vừa lo lũ chồng lũ. Rồi chuẩn bị đón cơn bão số 8 sắp đổ bộ.
Hội An, Tam Kỳ ngập đến 2 m
Khó nói hết nỗi khổ của người dân Quảng Nam trong đợt gánh lũ vừa qua. Thế nhưng sau lũ vẫn chưa hết khổ, lũ bùn, đất, rác ngỗn ngang từ trong nhà ra đường phố, họ phải tất bật dọn dẹp, trong khi những cơn mưa lớn kinh hoàng lại tiếp tục trút xuống.
Hội An lại là rốn lũ của sông Thu Bồn - Vu Gia, mưa lớn đã gây ra lũ, trong khi đó phải gánh nước xả lũ điều tiết của nhiều nhà máy thủy điện, khiến địa phương bị ngập sâu. Nặng nhất như vùng Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Châu,… có nơi ngập đến 2 mét.
Còn Đại Lộc là vùng vừa chịu những trận mưa lớn khủng khiếp lại phải hứng chịu nước dâng do thủy điện xả lũ. Đã rất nhiều lần ngay trong đêm bà con phải chạy lũ.
Ông Nguyễn Hùng, trú thôn Liên Thuận, xã Đại Nghĩa cho hay: “Nước lên nhanh ngay trong đêm, chúng tôi phải cấp tốc đưa lương thực, tài sản đến những nơi cao hơn, tránh bị nước lũ nhấn chìm. Khó nói hết nỗi khổ của người dân nơi rốn lũ”.
Nước ở khu vực sông Hoài dâng cao, khiến nhiều tuyến đường như Bạch Đằng, Trần Phú, chợ Hội An,… bị chìm trong biển nước. Trong lũ, ghe, thuyền là phương tiện duy nhất để người dân di chuyển từ khu An Hội sang phố cổ. Nước ngập nhà, người dân phải di chuyển tài sản lên tầng 2 hoặc mang đến nơi khác gửi để hạn chế thiệt hại.
Khó có thể nói hết nỗi cơ cực của dân Quảng Nam, vì vùng đất này mới đây là điểm nóng của dịch Covid-19, thế rồi lũ dữ tràn về, mọi hoạt động buôn bán đều dừng lại. Tiểu thương ở chợ Hội An còn phải dọn đồ đạc lên cao hơn phòng lũ cuốn trôi. Các hoạt động phố đi bộ và bán vé tham đều phải nghỉ…
Trong khi đó, người dân tại TP Tam Kỳ cũng khổ không kém. Như khối phố Đoan Trai nơi có 400 hộ dân với 1.200 nhân khẩu thì có đến 370 hộ bị ngập. Nhiều nhà ngập sâu đến 2 m. Những hộ khác không bị ngập cũng không thể di chuyển được ra bên ngoài vì nước bao vây tứ bề.
Hay như khối phố Trường Đồng bị ngập rất sâu, người dân phải di chuyển bằng thuyền ngay trên con đường vốn hằng ngày đi bộ. Nhiều nơi khác trong mưa lũ đều bị ngập nặng.
Trong mưa lũ người dân vừa đối diện với nguy cơ lũ cuốn, đuối nước, chập điện, vất vả chạy lũ, đưa tài sản, con ngườ đến nơi an toàn, còn phải dùng thuyền để mua lương thực nhu yếu phẩm. Trong khi đài báo bão liên tiếp đổ về và trời mưa to, gió lớn trên diện rộng.
Đành phải "sống chung" với lũ
Khi lũ đi thì bùn, rác ở lại. Bùn tràn ngập nhà cửa, rác tứ xử đổ về. Hiện tại người dân đang phải tích cực dọn dẹp nhưng trong trong lòng chẳng yên, vì mưa lớn tiếp tục đổ xuống, trong khi đó tin bão số 8 cuối tuần có khả năng vào thẳng Quảng Nam.
Ông Dương Văn Thành, trú TP Hội An chia sẻ: “Nước rút xuống đến đâu bà con tôi dọn dẹp đến đó. Lượng bùn, rác sau lũ thật khủng khiếp, nhưng phải dọn dẹp để ổn định làm ăn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhưng khổ nhất mưa lớn lại tiếp diễn và bão sắp vào”.
Hiện Công ty CP công trình công cộng Hội An đã huy động khoảng 300 công nhân của công ty cùng với 20 phương tiện các loại tiến hành thu gom được khoảng 400 tấn bùn đất, rác thải sau lũ.
Nhiều nhà dân, nhà hàng, homestay;… cũng lo dọn dẹp, vệ sinh trong và ngoài theo chiều rút của con nước.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, TP Hội An năm nào cũng bị ngập lũ vì nằm ở vùng hạ du, vùng trũng thấp. Cộng với việc thay đổi dòng chảy, lưu lượng chảy của các dòng sông nên vào mùa lũ TP Hội An thường ngập nước, chỉ là mức độ sâu hay cạn mà thôi. Trong khi đó, phố cổ có lịch sử lâu đời, là di sản văn hóa thế giới, nên không thể nâng cốt nền để chống lũ.
“Hiện tại chưa có cách khắc phục ngập lũ vào mùa mưa, chỉ có cách sống chung và thích nghi với lũ mà thôi. Chính quyền đang chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả do lũ gây ra”, ông Nguyễn Thế Hùng nói.
Còn ở TP Tam Kỳ, những ngày qua theo ghi nhận của chúng tôi, tại khối phố Trường Đồng nhiều nơi đường sá còn lầy lội đất sét, bùn nước, người dân ở các khối phố vùng trũng cũng như tiểu thương ở chợ Tam Kỳ đang tích cực dọn dẹp vệ sinh để ổn định cuộc sống.
Chính quyền TP Tam Kỳ đang chỉ đạo, tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ.