Các hãng thông tấn lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin về việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục.
Niềm vui của phái đoàn Việt Nam sau khi kết quả bỏ phiếu bầu Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an được công bố ngày 7/6. (Ảnh chụp màn hình).
Trong bài viết với tiêu đề “Việt Nam được bầu làm thành viên mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) thông báo “Việt Nam ngày 7/6 được bầu để thay thế Kuwait đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực, đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bắt đầu từ năm tới và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi các chính sách hòa bình và không phát triển vũ khí sau khi trải qua chiến tranh”.
Kyodo đưa tin Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ từ 192/193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc trong cuộc bỏ phiếu kín.
“Để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu, Việt Nam đã vận động trên một số vấn đề chính như thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, vốn đưa quốc gia Đông Nam Á này lên bản đồ thế giới khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy nhân quyền, cùng các vấn đề khác”, báo Nhật Bản viết.
Kyodo cũng dẫn lại phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung với các phóng viên sau khi cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.
“Vì Việt Nam đã trải qua hàng chục năm chiến tranh, nên chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể mang tới Hội đồng Bảo an những kinh nghiệm của Việt Nam, đất nước có thể tái thiết sau chiến tranh và giải quyết nhiều vấn đề khác sau cuộc chiến”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.
“Chỉ mới trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc từ năm 1977, Việt Nam từng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Là một thành viên của ASEAN, nhiệm kỳ của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an cũng diễn ra đồng thời với thời điểm Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN, bắt đầu từ năm 2020”, Kyodo cho biết.
Ngoài Kyodo, một số hãng tin khác, trong đó có Tân Hoa Xã (Trung Quốc) và Business Standard (Ấn Độ), cũng đăng tải bài viết thông báo về cuộc bỏ phiếu bầu Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.
Trong bài viết đưa tin về kết quả bỏ phiếu bầu 5 Ủy viên không thường trực của Hội đồng an Liên Hợp Quốc - “cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc”, hãng tin AP cho biết ngoài Việt Nam, 4 nước còn lại cũng đắc cử vị trí này gồm Niger, Tunisia, Estonia và quốc đảo Caribe St. Vincent & Grenadines.
“Các quốc gia thường lên kế hoạch trong nhiều năm để vận động cho một vị trí (ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an). Vị trí này có thể nâng cao vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế và quốc gia đó sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề cấp bách nhất liên quan tới hòa bình và an ninh thế giới”, AP đưa tin.
Trong bài viết với tiêu đề “Estonia, Việt Nam là hai trong số 5 nước đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an”, hãng tin AFP (Pháp) cho biết Việt Nam cùng các nước Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an “được bầu cho nhiệm kỳ kéo dài 2 năm tại cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc, có nhiệm vụ giải quyết các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.
Theo AFP, trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam, đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã nhận được 192 phiếu, Niger và Tunisia, đại diện khu vực châu Phi, giành 191 phiếu, Saint Vincent & Grenadines, đại diện khu vực Mỹ Latinh và Caribe, giành 185 phiếu và Estonia, đại diện khu vực Đông Âu, giành 132 phiếu.
* Hội đồng Bảo an là gì?
Hội đồng Bảo an là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ; 10 thành viên không thường trực. Các thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu, 10 ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an được phân theo khu vực địa lí.
Hội đồng Bảo an được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, tất cả các nước là thành viên của Liên Hợp Quốc đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của Hội đồng Bảo an.
Các quyết định và nghị quyết của Hội đồng Bảo an khi đã thông qua đều có tính ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành. Trong khi đó, các quyết định của các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc chỉ mang tính khuyến nghị với chính phủ của các quốc gia thành viên.