Tòa án Tối cao Mỹ hôm 18/11 quyết định tạm trì hoãn phán quyết của tòa án cấp thấp, trong đó yêu cầu Tổng thống Donald Trump phải giao nộp hồ sơ thuế trong 8 năm cho một ủy ban của Quốc hội. Phán quyết của Chánh án John Roberts được cho là sẽ trì hoãn nỗ lực của đảng Dân chủ yêu cầu ông Trump công bố hồ sơ thuế. Điều này phải chăng sẽ giúp ông Trump “bớt căng thẳng”?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật cải cách thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, ngày 22/12/2017, thì nay lại phải đương đầu với “hồ sơ thuế” .
Trước đó, Tòa phúc thẩm đã yêu cầu Công ty Kế toán của Tổng thống Trump (Mazars USA) bàn giao hồ sơ kinh doanh và khai thuế của ông, đồng thời đề nghị công bố những tài liệu này vào ngày 20/11.
Với phán quyết của Tòa tối cao ngày 18/11, ngay ngày hôm sau (19/11), Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát cho biết họ không phản đối việc trì hoãn 10 ngày để các thẩm phán có thêm thời gian xem xét các lập luận pháp lý liên quan đến vụ việc. Việc này không phải là sự xuống thang của phe Dân chủ, mà được cho là “tin chắc ông Trump có vấn đề về thuế, nên không có gì phải vội vã”.
Tuy nhiên, ngoài “hồ sơ thuế” tạm lui, ông Trump vẫn đang phải đối diện với nhiều cáo buộc khác cực kỳ nguy hiểm, mà không thể gỡ nổi trong một sớm một chiều cho dù quanh ông là một đội ngũ đông đảo những “võ sĩ giác đấu” thiện nghệ- nhận xét của Politico.
Trước hết đó là việc Hạ viện Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ xem xét liệu ông Trump có gian dối trong bản lời khai với công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 hay không. Theo bản ghi âm cuộc tranh luận do Tòa án tại Washington cung cấp hôm 18/11, Cố vấn pháp lý Hạ viện Douglas Letter đặt câu hỏi: “Tổng thống có nói dối không? Có phải Tổng thống đã không trung thực trong các câu trả lời của mình trong cuộc điều tra của ông Mueller không?”. Cáo buộc mang tính nghi vấn này dựa trên việc các tài liệu được chỉnh sửa trong báo cáo của ông Mueller. Theo đó, ông Mueller đã nộp báo cáo lên Bộ trưởng Tư pháp William Barr vào tháng 3 sau khi hoàn tất cuộc điều tra kéo dài 22 tháng. Báo cáo này đề cập chi tiết về chiến dịch tấn công mạng và tuyên truyền của Nga nhằm ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, cũng như những liên lạc giữa thành viên chiến dịch tranh cử của ông Trump và Moscow.
Ở “mặt trận” khác, ông Trump và ê-kip của mình phải đối phó với những nhân vật lừng danh, mà tiếng nói của họ có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nước Mỹ.
Trước tiên là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, khi chính trị gia lão luyện này so sánh Tổng thống đương nhiệm với cố Tổng thống Richard Nixon, người rời nhiệm sở trước khi bị luận tội. Bà Pelosi “tế nhị” nói rằng ông Trump nên theo gương ông Nixon, có nghĩa là nên từ chức trước khi bị luận tội và phế truất. “”Ý tôi là, những gì Tổng thống (ông Trump) làm còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì cố Tổng thống Richard Nixon đã làm. Nixon quan tâm đến quốc gia, đủ để ông ấy nhận ra không thể tiếp tục tại nhiệm”- bà Pelosi nói.
Nhân vật thứ hai là cựu Tổng thống Bill Clinton, người đã từng bị luận tội vào năm 1998. Ông Clinton “khuyên” ông Trump “hãy quên cuộc luận tội đi, và hãy làm công việc của mình” bất chấp cơn bão đang nổi lên ngày một dữ dội. Giới quan sát cho rằng, nếu ông Trump nghe theo lời khuyên của ông Clinton thì cũng có nghĩa là “chìa lưng ra cho các đối thủ tấn công” mà không tự vệ để mặc cho kết quả ra sao thì ra.
Người thứ ba là tỉ phú Michael Bloomberg- cựu Thị trưởng thành phố New York, khi tuyên bố sẽ đương đầu với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới, với lời nhắc khéo “tôi nhiều tiền hơn Tổng thống 17 lần”.
Những ngày này, giới quan sát chính trường Mỹ thường sử dụng cụm từ “các thủ thuật của phe Dân chủ” trong cuộc đối đầu giữa Hạ viện và Tổng thống. Thủ thuật đó là gì? Hiểu một cách thông thường nhất thì đó là “lúc ào ạt, lúc trì hoãn” để đẩy ông Trump cùng cộng sự vào bẫy, không biết đâu mà lường, khi mà phe Cộng hòa ra đòn mà không thể tránh khỏi “hở sườn”.
Như vậy, “hàng rào bảo vệ Tổng thống” của phe Cộng hòa dựng lên buộc phải đối diện với những diễn biến không lường trước được. Vì thật khó biết còn những cáo buộc gì nữa đang đợi ông Trump, phía sau những cáo buộc như một phép thử đã được đưa ra.