Từ ngày 30/6, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 1 năm 2022 và có tên quốc tế là Chaba.
16h ngày 1/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã họp khẩn chỉ đạo ứng phó với bão Chaba.
Ông Trần Quang Hoài Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia tại cuộc họp, hồi 13h ngày 1/7, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Quảng Ninh khoảng 640 km. Sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 và có khả năng mạnh thêm.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 17,0 độ vĩ Bắc; từ 108,0 đến 115,5 độ kinh Đông. Ngày 2/7, ở Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40-70 mm, có nơi trên 90 mm.
Ngày 3-4/7, Bắc Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, riêng khu Đông Bắc 150-300 mm, có nơi trên 350 mm.
Từ ngày 5-7/7 ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to.
Vào ngày 3/7/2022 bão sẽ ảnh hưởng đến bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, thủy triều ở mức cao từ 16h đến 23h (cao nhất 3,4 m lúc 19h), mức thấp từ 0h đến 15h (thấp nhất 0,2 m lúc 7h).
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cũng nhận định có 2 kịch bản hướng đi của bão sẽ xảy ra: Trong 12 giờ tới bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc. Trưa đến chiều mai, bão đổ bộ bán đảo Lôi Châu. Kịch bản này có xác suất 70%.
Với kịch bản này, từ đêm đến rạng sáng mai, gió ở bắc vịnh Bắc bộ có gió cấp 6-8. Ven biển, đất liền như ở Móng Cái, Quảng Ninh có gió cấp 6, giật cấp 8.
Trường hợp tâm bão số 1 đi vào đất liền Việt Nam có xác suất khoảng 30%. Theo kịch bản này bão đi vào đất liền Trung Quốc và ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam. Dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng hoàn lưu của bão số 1 vẫn tác động đến nhiều vùng biển ven bờ của Việt Nam.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 1, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh, đây là cơn bão đầu mùa, diễn biến phức tạp và có khả năng mạnh thêm.
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Các đơn vị tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các tỉnh khu vực vịnh Bắc Bộ quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; chủ động cấm biển tùy theo diễn biến thực tế tại địa phương; Triển khai chằng chống nhà cửa; đảm bảo an toàn cho khách du lịch nhất là trên các đảo thuộc Vịnh.
Khu vực đồng bằng ven biển phải đảm an toàn bảo lồng bè, nuôi trồng thuỷ sản; đảm bảo an toàn các tuyến đê xung yếu; an toàn hồ chứa; bảo vệ nông nghiệp, khu công nghiệp, khu vực trũng thấp. Sẵn sàng phương án di dân khu vực không đảm bảo an toàn ảnh hưởng của bão.
Đối với miền núi phía Bắc, các đơn vị chỉ đạo lực lượng xung kích rà soát, khơi thông các dòng chảy, các điểm bị tắc nghẽn trên các sông suối;rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt.
Các đơn vị kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo cảnh báo về: bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất và khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo độ tin cậy, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa lũ sau bão; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.