Hiện bão số 10 - Goni suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vào đất liền Quảng Ngãi - Phú Yên sáng 6/11, nhưng đã gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung 2 ngày trước đó. Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định có mưa rất to…
Tại Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của bão số 10, hàng trăm nhà dân ở huyện Nghĩa Hành và Thị xã Đức Phổ bị ngập nước. Tại thị xã Đức Phổ, nước lũ dâng cao khiến một số phường ở khu vực hạ lưu sông Trà Câu như Phổ Văn, Phổ Minh… bị ngập rất nặng. UBND thị xã Đức Phổ đã chỉ đạo tất cả các xã, phường, thị trấn cho học sinh nghỉ học từ ngày 6/11.
Theo người dân ở phường Phổ Minh, khoảng 3 giờ sáng, nước bắt đầu ào vào nhà và dâng cao. Nhiều nhà vội vàng thu dọn đồ đạc đưa lên cao. Theo thống kê, khoảng gần 80 hộ bị cô lập.
“Nước lên lúc 2h sáng, điện bị cắt, không thấy gì hết. Lo sợ nước dâng cao nên tôi giục cả nhà đi tìm chỗ trú, còn đồ đạc thì cứ mặc kệ vậy”, một người dân ở phường Phổ Minh kể lại.
Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết: Nước sông Trà Câu dâng lên báo động 3, 300 hộ dân ở các phường Phổ Ninh, Phổ Văn, Phổ Thuận, Phổ Minh bị ngập.
UBND thị xã đã chỉ đạo các xã, phường tập trung lực lượng xung kích, phối hợp với lực lượng công an, quân đội, sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” giúp người dân trong mọi tình huống. Đặc biệt phải sơ tán khoảng 800 hộ dân bị ảnh hưởng tới nơi an toàn tránh lũ.
Tại huyện Nghĩa Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đàm Bàng cho biết, nước lũ lên nhanh khiến chia cắt, cô lập nhiều khu dân cư ở các xã: Hành Đức, Hành Dũng, Hành Minh, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây. Riêng xã Hành Tín Tây có khoảng 350 hộ dân bị cô lập.
Từ sáng sớm người dân trong xã đã phải dời vật dụng trong nhà lên gác vì nước tràn vào. Trâu bò được dắt lên những xã cao hơn để tránh trú nhờ.
Ông Mai Văn Tường, Chủ tịch UBND xã Hành Tính Tây cho biết toàn xã có 350 hộ bị nước lũ chia cắt, xã sẽ chuyển người dân đến các trụ sở, trạm y tế... nếu nước tiếp tục lên.
Trong sáng 6/11, chính quyền huyện Nghĩa Hành huy động lực lượng về các điểm xung yếu, trũng thấp để di dời dân, giúp dân di chuyển tài sản đến nơi cao ráo, đồng thời chốt chặn các tuyến đường bị nước lũ ngập sâu, kiên quyết không cho người dân qua lại nhằm bảo đảm an toàn tính mạng.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 10, tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-80mm.
Đến chiều 6/11/2020, mưa lớn khiến 1.074 ngôi nhà tại huyện Hoài Ân (Bình Định) bị ngập; sạt lở, chia cắt giao thông ở một số xã vùng cao của huyện miền núi An Lão.
Các chuyên gia khuyến cáo, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...
Khi thấy các dấu hiệu trên, bà con cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Ngày 7/11, trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông từ Thừa Thiên -Huế đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2, có sông lên trên BĐ2; riêng các sông nhỏ ở Quảng Ngãi có khả năng lên trên mức BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cấp 1.