Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 12 (bão ETAU) đang hướng vào khu vực Nam Trung Bộ, trong đó, trọng tâm là các tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Để chủ động ứng phó bão số 12 nhiều khả năng sẽ đổ bộ, trưa 9/11, UBND tỉnh Phú Yên đã có công điện yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương, nghiêm túc triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 12.
Theo đó, yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán người tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà cửa không an toàn, khư vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Thời gian hoàn thành sơ tán trước 18h ngày 9/11.
Các cơ quan liên quan, chính quyền các địa phương quan tạm hoãn các cuộc họp không thật sự cần thiết, không liên quan đến công tác phòng chống bão, mưa lũ sau bão cho đến khi bão tan.
Trước đó, sáng 9/10, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi, các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản ven bờ, trên biển. Thời gian bắt đầu cấm biển từ 10h ngày 9/11.
Cũng trong sáng 9/11, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh về các địa phương phụ trách trước 12h ngày 9/11 để phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai công tác ứng phó bão.
Đồng thời, yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động vào nơi tránh trú; thông báo cấm các tàu, thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản ven bờ, trên biển kể từ 18h ngày 9/11.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đến sáng 9/11, toàn tỉnh có 161 tàu với 1.344 người đang hoạt động đánh bắt trên biển. Hiện các tàu trên đã nắm được thông tin, vùng nguy hiểm của bão để chủ động tránh trú an toàn.
Toàn tỉnh hiện có 2.378 bè /91.708 lồng với khoảng 13.600 lao động. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương giữ thông tin với các chủ lồng, bè để thực hiện đưa các lao động trên lồng bè vào bờ trú ẩn khi có lệnh.
Đối với 174 vị trí có nguy cơ sạt lở với khoảng 23.350 người dân trên địa bàn, tỉnh Khánh Hòa đã có phương án sẵn sàng sơ tán người dân khi có mưa, lũ lớn. 110 điểm ngầm, cầu, tràn nguy hiểm sẽ được các địa phương chủ động bố trí lực lượng chốt chặn. Các đơn vị quản lý hồ chứa đã tổ chức trực ban 24/24h theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân, trước diễn biến của cơn bão số 12, sáng 9/11, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công điện nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động khác trên biển, bắt đầu từ 12 giờ ngày 9/11 cho đến hết bão.
Theo đó, yêu cầu các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương ven biển khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền về neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão theo quy định là các cảng Ninh Chữ, Đông Hải và Cà Ná; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản khi có bão.
Tính đến 10h sáng 9/11, tại các bến cảng của tỉnh Ninh Thuận có 2.083 chiếc tàu với 11.115 lao động đã vào bờ và neo đậu; 434 tàu với 3.903 lao động còn lại đang đánh bắt trên vùng biển các tỉnh phía Nam đã được cơ quan chức năng của tỉnh liên lạc và kêu gọi vào bờ tránh trú bão.
Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cũng thông báo cho các chủ nuôi thủy sản trên lồng, bè nhanh chóng neo, cột lại lồng, bè; đưa lao động vào bờ trước 18h ngày 9/11.
Sở NN và PTNT tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu bố trí lực lượng túc trực tại các hồ thủy lợi đầy nước và thông báo cho chính quyền địa phương về phương án, thời gian xả lũ khi thật cần thiết để chủ động phòng tránh.