Chiều tối 18/8, mưa to, dông gió hoành hành dữ dội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định…khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng. Các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-14, biển động mạnh. Còn tại Hà Nội, mưa lớn đúng giờ tan tầm khiến các tuyến đường nội đô kẹt cứng phương tiện. Gió lớn, hàng loạt người điều khiển xe máy không thể di chuyển, phải dừng bên đường để trú tránh.
Đường phố Hà Nội sau trận mưa chiều tối nay 18/8.
Chiều tối 18/8 đã xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Thủ tướng lưu ý công tác cấp điện phải thường xuyên
Chiều 18/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ về công tác dự báo bão và chỉ đạo việc phòng chống bão số 3. Theo đó, bão số 3 được dự báo là cơn bão mạnh, đi nhanh, đi sâu và hoàn lưu có thể kéo dài.
Chỉ đạo phòng chống bão số 3, Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài các tỉnh ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, các tỉnh, TP phía trong như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đều phải cảnh giác. Bên cạnh đó, đường đi của bão cũng có thể thay đổi. Dự báo cho thấy đây là tháng triều cường, nước có thể dâng đến trên 4m, các đê có nguy cơ rất dễ vỡ và gây tác hại lớn. Do đó, cần có biện pháp ứng cứu đối với một số đoạn đê xung yếu.
Lo lắng mưa lớn có thể xảy ra gây ngập sâu, Thủ tướng lưu ý công tác cấp điện phải thường xuyên, bảo đảm các trung tâm, trạm bơm tiêu úng hoạt động tốt. “Cần thiết thì đặt một số trạm bơm trung gian chạy bằng dầu để hỗ trợ một số vùng có nguy cơ ngập kéo dài gây chia cắt. Do đó, ngành điện cần có sự chủ động, ứng trực, xử lý kịp thời. Đừng để bão đã qua một ngày rưỡi rồi mà chưa có điện” - Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, phải lưu ý tình trạng mưa lũ có thể gây sạt lở đất lớn, có thể cả quả đồi, cả một ngôi làng, đe dọa tính mạng người dân. Nhấn mạnh bảo vệ tính mạng con người mục tiêu vô cùng quan trọng khi thiên tai xảy ra, Thủ tướng yêu cầu, khi chưa xảy ra bão thì phải chỉ đạo sớm, giữ nhà cửa, cứu lúa, cảnh giác lở đất, an toàn hồ đập, mọi ngành, kể cả hàng không, đều phải có phương án ứng phó.
Trên tinh thần chỉ đạo thường xuyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã cử 3 Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo một số bộ trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo tại các địa phương trọng điểm.
Hà Nội mưa dữ dội, đường sá kẹt cứng
Khoảng 18h20 tối 18/8, tại Hà Nội bắt đầu đổ mưa to và lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 sắp đổ bộ. Mưa lớn đúng giờ tan tầm khiến các tuyến đường nội đô kẹt cứng phương tiện. Do gió lớn, hàng loạt người điều khiển xe máy không thể di chuyển, phải dừng bên đường để trú tránh.
Cùng với đó, đêm 18/8, mực nước trên sông Lục Nam tại Lục Nam lên nhanh đạt mức 4,5 m (trên báo động 1: 0,2 m) sau biến đổi chậm; trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn lên mức 254,0 m (dưới báo động 2: 1,0 m) vào sáng ngày 19/8. Từ trưa ngày 19/8, mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5 m, hạ lưu từ 2-3 m, đỉnh lũ ở mức báo động I đến báo động III; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên trên mức báo động II, hạ lưu lên mức báo động I đến báo động II. Sông Cả, sông La lên mức báo động I.
Mưa lớn tại Hải Phòng
Chiều 18/8, mưa đã rơi dầy hạt và gió đã mạnh lên tại Quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng. Lãnh đạo Thị xã Đồ Sơn cho biết từ tối 18 -8, sóng biển sẽ đánh rất lớn và sẽ gây ảnh hưởng tới đê điều, tuy nhiên trước đó địa phương đã huy động các lực lượng bảo vệ đê điều; kêu gọi khách du lịch tới Đồ Sơn nên rời Đồ Sơn từ sáng 18/8.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Thành phố Hải Phòng quán triệt các Công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương về phòng, chống cơn bão số 3 này. Vì đây là cơn bão kéo theo lượng mưa lớn (200- 300mm, thậm chí có nơi tới 400mm), Phó Thủ tướng nhấn mạnh Hải Phòng và Đồ Sơn đặc biệt quan tâm tới công tác thoát nước đô thị, đảm bảo nhiệm vụ số 1 là an toàn tuyệt đối tính mạng con người, thứ hai giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản; có phương án đảm bảo công tác lưu trú cho khách du lịch tới Hải Phòng mà bị kẹt bởi bão; thứ ba là nhanh chóng khôi phục, ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Thanh Hóa dừng họp phòng chống bão
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, chiều 18/8, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện khẩn chỉ đạo các địa phương của tỉnh khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị phòng chống bão số 3. Các ngành, địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông tin, cảnh báo kịp thời đến nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.
Theo Đại tá Hoàng Minh Luyện – Phó Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến 17h30’ chiều 18/8, tất cả các tàu thuyền của tỉnh Thanh Hóa đã vào bờ tránh trú bão an toàn. Tỉnh Thanh Hóa hiện có 7.049 phương tiện tàu thuyền. Đến chiều 18/8, các tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn. Tại Lạch Sung (huyện Hậu Lộc), hàng trăm tàu thuyền lớn đã được chính quyền, lực lượng biên phòng hướng dẫn neo đậu an toàn.
Bão đe dọa hệ thống đê biển Nam Định
Chiều ngày 18/8, nhiều cuộc họp theo lịch của tỉnh Nam Định đã được hoãn để cán bộ tập chung cho công tác phòng chống bão số 3. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã về các địa phương được phân công, bám sát địa bàn để phối hợp với lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão. Các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện trực đảm bảo 100% quân số, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh…
Trước đó, trong công điện khẩn phát đi vào trưa ngày 18/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chỉ đạo BCH Bộ đội biên phòng tỉnh rà soát, kiểm đếm, kêu gọi, yêu cầu các loại tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú bão trước 14h ngày 18/8; cấm các loại phương tiện ra khơi từ 14h ngày 18/8; người canh coi, sản xuất trên biển vào bờ trước 8h ngày 19/8; cấm các hoạt động thăm quan du lịch ở khu vực bãi biển, cấm tắm biển từ 8h ngày 19/8. Ngành thông tin và truyền thông phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt” - công điện yêu cầu.