Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, cơn bão số 4 (Higos) có khả năng gây mưa lớn trên diện rộng cho khu vực Nam Trung Quốc, ảnh hưởng tới các sông biên giới phía Bắc, nguy cơ về thiên tai do mưa lũ, sạt lở đất có thể xảy ra rất lớn.
Sáng ngày (18/8), áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2020 và có tên quốc tế là Higos.
Khoảng 7h sáng ngày 19/8, sau khi bão số 4 (Higos) đã đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 9h ngày 19/8, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phát tin bão trên đất liền.
Vào 17h ngày 19/8 Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã phát bản tin cuối cùng về cơn bão Higos.
Xác định bão số 4 (Higos) có khả năng gây mưa lớn trên diện rộng cho khu vực Nam Trung Quốc, trong điều kiện trước đó đã và đang có mưa đợt mưa lớn diện rộng từ ngày 16 - 18/8 nên nguy cơ về thiên tai do mưa lũ, sạt lở đất có thể xảy ra rất lớn.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia liên tục theo dõi sát diễn biến của bão số 4 và tình hình mưa sau khi bão số 4 (Higos) vào bờ. Các bản tin liên tục được phát đi để tập trung theo dõi sát mọi diễn biến và truyền tải thông tin đến các cấp, các ngành và người dân.
Triển khai công tác giám sát và đánh giá lượng mưa qua ước lượng mưa từ vệ tinh để chủ động trong dự báo thủy văn cho các sông xuyên biên giới.
Ngày 20/8, Sở Ngoại vụ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã gửi Công văn số 362/SNV-LS thông báo Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) dự kiến xả lũ từ 9h đến 17h ngày 20/8.
Theo Công văn trên, lưu lượng xả lũ không được cung cấp. Ngoài ra, các thông tin xả lũ trên các lưu vực sông khác trong những ngày tới cũng không được cung cấp.
Để giám sát được lượng mưa bên ngoài biên giới nước ta và chủ động công tác dự báo thủy văn cho các sông xuyên biên giới (trong trường hợp không có thông tin về số liệu đo thực tế của các nước khác). Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã vận dụng linh hoạt việc ước lượng lượng mưa từ số liệu vệ tinh (cho dù việc ước lượng này có nhiều sai số nhưng đây là cách duy nhất để xác định lượng mưa tại khu vực không có số liệu đo thực tế trên lãnh thổ quốc gia khác) kết hợp với phân tích dữ liệu gia tăng lưu lượng trạm thượng nguồn để tính toán nhận định lũ trên lưu vực sông Thao trên lãnh thổ Trung Quốc. Kết quả tính toán nhận định cho thấy lũ ở khu vực Lào Cai tăng lên không quá lớn trong 12 giờ (0,9 m/12 giờ).
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia dự báo tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc như sau:
Vào lúc 7h ngày 21/8, lưu lượng tại trạm Mạn Hảo (Trung Quốc), hạ lưu thủy điện Mã Đổ Sơn (cách biên giới Việt Nam khoảng 60-80 km) đã giảm nhanh khoảng 600 m3 /s trong 12 giờ qua.
Tại Lào Cai đầu nguồn sông Thao (Sông Hồng) trên lãnh thổ Việt Nam vừa trải qua một đợt lũ với mực nước đỉnh lũ đạt 82,58 m, trên BĐ2: 0,58 m vào 17h ngày 18/8, sau đó xuống dần dưới BĐ1 vào trưa ngày 20/8. Sau khi thủy điện Mã Đổ Sơn Trung Quốc xả lũ (ngày 20/8), mực nước tại Lào Cai đã lên lại và đạt mức 80,55 m vào sáng ngày 21/8, trên BĐ1: 0,55 m; sau đó xuống mức 79,69 m vào 13h ngày 21/8, dưới BĐ1: 0,31 m. Dự báo trong 12h tới, mực nước sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống nhanh, tại Yên Bái sẽ lên lại và đạt mức BĐ2 (31 m).
Ngoài ra, trên thượng nguồn sông Đà phía Trung Quốc, lưu lượng tại trạm Thổ Khả Hà đang giảm nhanh (700 m3/s) trong 24 giờ qua. Lưu lượng đến hồ Lai Châu trên sông Đà tiếp tục giảm và ở mức 3200 m3/s.
Theo dự báo từ chiều nay đến ngày mai (22/8) ở khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (phổ biến 40-80 mm/24h, riêng Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái có nơi trên 100 mm/24h). Do có mưa lớn, mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên lại và xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,0-3,0 m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao (Sông Hồng) có khả năng lên mức BĐ2; thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức BĐ1 - BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.
Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như: Lào Cai, Yên Bái.