Sáng 17/11, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã tổ chức một tọa đàm khoa học nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam. Tham dự hoạt động này có 8 bảo tàng ngoài công lập và đây cũng là lần đầu tiên các bảo tàng có dịp chia sẻ kinh nghiệm để từ đó mở ra hướng phát triển.
Góc bếp Mường ở Bảo tàng Không gian văn hóa Mường-Hòa Bình.
Thời của bảo tàng nhỏ
Cho dù Luật Di sản văn hóa ra đời (năm 2001), nhưng phải đến gần 10 năm sau, khi các văn bản, thông tư hướng dẫn được hoàn thiện thì các bảo tàng ngoài công lập mới được cấp phép và hoạt động. Theo thống kê, trên cả nước hiện có khoảng 25 bảo tàng tư nhân ra đời, và bảo tàng có thâm niên nhất cũng mới chỉ chừng 10 năm tuổi, gồm: Bảo tàng Mỹ thuật họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình, Bảo tàng Mỹ thuật của họa sĩ Phạm Thị Ngọc Mỹ, Bảo tàng về chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày ở Phú Quốc…
TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN cho rằng, con số 25 bảo tàng tư nhân nói trên chưa phải là nhiều, nhưng đối tượng và phạm vi hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập lại khá phong phú. Có một số bảo tàng đồng thời là nơi lưu niệm về một số nhà văn (Nguyễn Tuân); danh họa (Nguyễn Tư Nghiêm, Sĩ Tốt); hay nhà khoa học giáo dục (Nguyễn Văn Huyên). Một số bảo tàng về gốm, mỹ thuật có tác dụng tích cực trong việc khắc phục tình trạng thất thoát cổ vật ra nước ngoài, đồng thời tạo cơ hội để công chúng được tiếp cận với một bộ phận di sản văn hóa quý giá của đất nước. Sự góp mặt của những bảo tàng ngoài công lập, với tiêu chí hướng tới là thu hút khách tham đang mở ra một xu thế mới cho bảo tàng nhỏ nhưng có chiều sâu.
Thực tế hoạt động của các bảo tàng tư nhân thời gian qua, nhìn nhận một cách khách quan, TS Hùng khẳng định, hiện chúng ta vẫn chưa có một bảo tàng ngoài công lập nào có được một tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, chưa một bảo tàng nào được thực thi đầy đủ các nhiệm vụ theo qui định của Bộ VHTT&DL (theo tinh thần Thông tư số 18 của Bộ VHTT&DL). Như vậy, nói một cách khác, các bảo tàng ngoài công lập hiện vẫn vận hành… tự phát là chính. Do đó, mục đích của cuộc tọa đàm lần này là tìm ra những kinh nghiệm hay để các bảo tàng ngoài công lập chia sẻ, học hỏi lẫn nhau.
Chú trọng kết nối quá khứ và hiện tại
Một trong những giải pháp được chỉ ra để góp phần nâng cao chất lượng của các bảo tàng ngoài công lập ở VN là đẩy mạnh sự kết nối giữa bảo tàng công lập với bảo tàng tư nhân. Nếu xét ở góc độ này, hiện chỉ có bảo tàng Nguyễn Văn Huyên làm tốt được yêu cầu kết nối với Bảo tàng Dân tộc học. Cũng bởi TS Nguyễn Văn Huy đang mang phong cách thiết kế trưng bày hiện đại của một bảo tàng có tiếng tăm về áp dụng với mô hình bảo tàng gia đình.
Dẫu vậy, theo TS Nguyễn Văn Huy, hiện Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên vẫn trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm. Để bảo tàng ngoài công lập được công chúng biết đến, rất cần đến vai trò của truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Nhưng điều mà ông quan tâm nhất là mong muốn sự gắn kết giữa du lịch và hệ thống bảo tàng ngoài công lập để kích thích khu vực bảo tàng này ngày càng phát triển, tham gia đóng góp tích cực cho ngành du lịch và phát huy các giá trị văn hóa.
Không phải cho đến bây giờ, mà dự báo về xu thế phát triển của Bảo tàng, từ hơn mười năm trước, các chuyên gia đã có những phân tích rất khách quan. Chẳng hạn như TS Đặng Văn Bài từ lâu đã cho rằng để bảo tàng không khô cứng và trở thành điểm đến thì đó phải là bảo tàng của tương lai. Hơn thế, bảo tàng phải là nơi gắn kết giữa quá khứ và hiện tại chứ không đơn thuần chỉ là nơi lưu giữ hiện vật.
Vì lẽ đó, cuộc tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm làm bảo tàng ngoài công lập nói trên vừa là sự đóng góp kinh nghiệm cho hệ thống bảo tàng nói chung, vừa là hoạt động thực sự có ý nghĩa nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11).