Bảo tồn di sản: Phải dựa vào cộng đồng

Hoàng Minh - Phạm Quý (ghi) 13/06/2016 09:30

Hội thảo khoa học chủ đề “Báo chí với việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Tại đây tham luận của các nhà sử học, nghiên cứu văn hóa, quản lý đã chỉ ra thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể Hà Nội trên mọi phương diện, từ chính sách quản lý đến cung cách ứng xử. 

Bảo tồn di sản: Phải dựa vào cộng đồng

Công trình cầu vượt đoạn đường Văn Cao đi qua di tích đã được
người dân lên tiếng để bảo tồn. (Ảnh: Anh Hùng).

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường- Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học: muốn thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể phải biết dựa vào cộng đồng. Chúng tôi xin ghi lại những tâm tư của ông:

Trong Khảo cổ học, chúng tôi có một mệnh đề “Khảo cổ học cộng đồng”- đó là phải phổ biến kiến thức khảo cổ đến mọi tầng lớp nhân dân, để chính họ sẽ là những người vừa phát hiện vừa bảo vệ cho các di tích khảo cổ.

Thử hỏi, một địa điểm khảo cổ học quan trọng là hang Con Moong, nằm giữa rừng sâu của huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), làm sao chúng ta có thể bảo vệ được- ngoài việc phải dựa vào dân, vào chính quyền địa phương của địa bàn sở tại. Thế nhưng, hiện việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội thì dường như còn quá nhiều bất cập.

Đơn cử, để làm cầu vượt đoạn đường Văn Cao kéo dài, từ tháng 4, đầu tháng 5/2010, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mà cụ thể là BQL Giao thông Đô thị đã ngang nhiên và cố tình dùng gầu xúc phá nát 1 đoạn thành trên đường Hoàng Hoa Thám – cắt đường Văn Cao. Theo bản đồ Thăng Long thời Lê Sơ trong tập bản đồ thời Hồng Đức (năm 1490), đây là một đoạn Hoàng Thành Thăng Long thời Lê Sơ (1428-1527) – nó là đoạn đẹp nhất vì nổi cao hơn đoạn từ dốc Tam Đa về phía vườn Bách Thảo, mà trong lòng nó chứa đựng nhiều hiện vật quý giá.

Tôi dùng chữ “cố tình” vì ngay từ năm 2002, Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã có hẳn một đề án khảo cổ học cụ thể, vẽ ra quy hoạch khảo cổ học ở vùng nội đô, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm và có cả các kiến nghị đầy đủ.

Tên đề tài là: “Khảo cổ học với việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở Thủ đô Hà Nội – Kiến nghị và giải pháp” do PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm chủ nhiệm. Đề tài đã được nghiệm thu xuất sắc, nhưng rồi người ta cũng để nó rơi vào quên lãng.

Tôi có thể khẳng định những người xây dựng cầu vượt cuối đường Văn Cao, nắm chắc được Luật Di sản mà mục 3 điều 37 ghi rõ: “Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, di vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

Có lẽ vì họ sợ báo cho văn hóa thì tiến độ dự án bị chậm lại nên công trường này chỉ hoạt động từ 21h đêm đến 4h sáng hôm sau.

Được nhân dân tại khu vực này gọi điện thông báo, sáng 3/5/2010, tôi trực tiếp lên hiện trường. Nhận ra tôi hay xuất hiện trên tivi, bảo vệ công trường gây khó khăn, không cho tôi vào hiện trường. Sáng 6/5 tôi cùng phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam lên ghi hình tại chỗ. Chúng tôi nhìn thấy 1 bình gốm men xanh thời Trần nằm dưới hố sâu chừng 4m, một nửa của bình gốm đã bị gầu xúc xén gọn.

Cùng với những hiện vật khác như: mảnh ngói thời Lê Sơ, nắp đậy thời Trần, gạch vồ thời Lê… được VTV1 ghi lại làm bằng chứng đầy đủ và đã được phát sóng ngay tối đó.

Rất may, nhờ có sự lên tiếng kịp thời của các nhà khoa học như: GS Phan Huy Lê, PGS Hoàng Xuân Chinh, PGS.TS Tống Trung Tín…, rồi của các kênh truyền hình VTV1, VTC và các phương tiện truyền thông báo chí, nên ngày 10/5/2010, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu tạm dừng thi công tuyến đường Văn Cao – Hồ Tây để triển khai công tác nghiên cứu thu thập hiện vật.

Như vậy nếu không có đơn thư của nhân dân gửi đến cho chúng tôi, thì đoạn thành này sẽ bị mất đi những cứ liệu khoa học quan trọng, những hiện vật vô giá bị đổ đi cùng cát sỏi.

Vì vậy tôi tha thiết đề nghị chính quyền từ cấp thôn lên đến quận, huyện và Sở VHTT của Hà Nội tăng cường và giữ gìn, quảng bá văn hóa vật thể ở Hà Nội.

Theo thống kê, Hà Nội có gần 5.850 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích quốc gia, 1.179 di tích cấp thành phố. Trong những năm qua, TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm cho công tác bảo tồn văn hóa vật thể, các di tích lịch sự. Tuy nhiên vẫn còn nhiều địa điểm việc quản lý, bảo vệ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể tại những di tích còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư nâng cấp, bảo tồn, trùng tu các di tích văn hóa chưa được triển khai theo đung quy trình khoa học; vấn nạn thất thoát đồ cổ, sự xâm lấn di tích vẫn diễn ra…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn di sản: Phải dựa vào cộng đồng