Sáng ngày 16/9, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức hội thảo khoa học “Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn - Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị”.
Quang cảnh Hội thảo.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm; GS TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, viện nghiên cứu của trung ương, các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế đã tham dự.
Đây là hội thảo có sự tham gia đông đảo nhất của các nhà khoa học, các chuyên gia từ trước đến nay ở Huế.
Trong hơn 70 báo cáo tham luận, Ban tổ chức đã chọn 55 tham luận để trình bày tại hội thảo, theo các chủ đề: Đánh giá tổng quan về giá trị di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn; công cuộc bảo tồn và khai thác; di sản kiến trúc cung đình Huế, di sản kiến trúc Nhật Bản nhìn trong sự so sánh và công tác trùng tu, bảo tồn di tích; mỹ thuật, trang trí và một số đặc trưng vùng miền trong kiến trúc cung đình Huế; giá trị cảnh quan, môi trường gắn liền với khu di sản Huế; công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm Nhã nhạc, tuồng cung đình, múa cung đình, nghi lễ cung đình;các di sản tư liệu; cổ vật cung đình thời Nguyễn và công tác nghiên cứu, phục chế cổ vật cùng các tham luận khác như lịch sử công trình,tiền tệ, tôn giáo, tín ngưỡng...
Báo cáo về công cuộc bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di sản tại cố đô Huế ,TS Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: sau 1975 toàn bộ khu vực Tử Cấm Thành gần như bị xóa sổ. Khu vực Hoàng Thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc lúc nguyên thủy. Khu vực Kinh thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng. Các lăng tẩm hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, hoặc bị dột nát, có nguy cơ đổ sụp vào bất kỳ lúc nào.
Bằng sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay đã có khoảng 130 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn.
Tổng kinh phí trùng tu di tích đã thực hiện vào khoảng gần 1.200 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 250 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 245 tỷ đồng , tài trợ quốc tế hơn 90 tỷ đồng).
Đặc biệt, trong 5 năm (2011 - 2015), nguồn ngân sách tu bổ di tích đạt xấp xỉ 440 tỷ đồng, tức gần bằng 15 năm của gia đoạn trước cộng lại.
Riêng năm 2016, tổng nguồn vốn đầu tư cho công tác trùng tu bảo tồn di sản đạt hơn 177 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương là 84 tỷ đồng, nguồn địa phương là 80 tỷ đồng, còn lại lại được huy động từ xã hội hóa và tài trợ quốc tế.