Luật Di sản văn hóa (DSVH) (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ là hành lang pháp lý tạo luồng sinh khí mới trong việc bảo vệ, phát huy giá trị DSVH, đặc biệt là giải quyết những vấn đề về bảo vệ di sản đang đặt ra từ thực tiễn; nâng cao vai trò của người dân tham gia bảo vệ di sản.
Tài sản vô giá
Theo thống kê của Cục Di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), tính đến giữa năm 2024, cả nước có hơn 40.000 di tích, trong đó có 8 DSVH và thiên nhiên thế giới; 130 Di tích Quốc gia đặc biệt; 3.621 Di tích Quốc gia; hơn 10.000 di tích cấp tỉnh. Về DSVH phi vật thể, có khoảng 70.000 di sản đã được kiểm kê trên địa bàn cả nước, 15 DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại và DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; 9 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO; 498 DSVH phi vật thể được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia và 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Khối lượng DSVH rất phong phú và đa dạng chính là tài sản vô giá của dân tộc, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trên phương diện kinh tế - xã hội, nhiều DSVH đã trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển du lịch. Đây chính là những vốn quý góp phần định vị thương hiệu quốc gia, dân tộc trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.
Điển hình như Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993) và Vịnh Hạ Long (năm 1994), khi mới được ghi danh là DSVH và thiên nhiên thế giới, chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu mỗi năm. Quần thể danh thắng Tràng An, sau 5 năm được UNESCO ghi danh đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách/năm…
Chính vì thế, Chính phủ đã hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di tích. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị sản, di tích cũng đạt được những hiệu quả tích cực. Các dự án trùng tu di tích lịch sử như Chùa Một Cột hay các công trình tại Cố đô Huế đã được thực hiện với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương mang lại những hiệu quả tích cực.
Ở nhiều địa phương, DSVH đã góp phần lớn trong việc dịch chuyển và thay đổi cơ cấu kinh tế. Các nguồn thu đã bổ sung đáng kể vào chi phí của địa phương trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn các di sản. Kết nối DSVH với phát triển bền vững khẳng định rằng văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực cho sự phát triển.
Hài hòa trong bảo tồn và khai thác di sản
DSVH là tài sản quý báu và là tiềm năng du lịch to lớn của Việt Nam. Việc bảo tồn và khai thác hợp lý DSVH không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn mang lại lợi ích kinh tế và xã hội bền vững.
Tuy nhiên, bảo tồn và khai thác là lĩnh vực phức tạp. Theo PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), “bảo tồn thích ứng” là một phương pháp tiếp cận để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo đó, bảo tồn thích ứng là bảo tồn các di sản “sống”, nằm trong cộng đồng để gìn giữ, chuyển tiếp, bổ sung giá trị và có sự sáng tạo để tiếp tục đưa di sản sống với xã hội đương đại.
Vẫn theo ông Cường, “bảo tồn thích ứng” là cơ hội cho chúng ta kế thừa và sáng tạo các giá trị văn hóa. Tránh xu hướng nệ cổ, kìm hãm sự phát triển văn hóa. “Bảo tồn thích ứng” trong không gian đô thị, nông thôn là bảo tồn những trị văn hóa nằm không gian sống, là bảo tồn những giá trị DSVH bản địa, đang tồn tại và cùng chuyển mình với cuộc sống, vượt ra khỏi ý nghĩa của bảo tồn di tích với những biện pháp khoanh vùng I, vùng II, bảo tồn nghiêm ngặt, kiểu “bảo tàng hóa” gây xung đột với cuộc sống đang phát triển.
Hài hòa giữa bảo tồn và khai thác giá trị DSVH cần có cách thức ứng xử phù hợp. Đặc biệt cần tránh các hoạt động làm sai lệch di sản, “vắt kiệt sức” di sản. Riêng với DSVH văn hóa vật thể, không thể tôn tạo, trùng tu quá đà, không khác gì làm mới di sản. Về mặt nguyên tắc, bất kỳ DSVH nào cũng cần được “sống” trong chính môi trường của nó, bảo đảm “tính thiêng” bên cạnh yếu tố “thế tục”. Nếu đơn giản chỉ coi DSVH là tài nguyên để thương mại hóa, thì tài nguyên cũng sẽ cạn kiệt.
Quan điểm của UNESCO qua Công ước Bảo vệ DSVH phi vật thể (Công ước 2003) mà Việt Nam chính thức tham gia từ năm 2005, nêu rõ: DSVH nói chung được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi, và “các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”.
Từ đó cho thấy bảo tồn di sản không phải là một cánh cửa “đóng kín” mà DSVH có thể “tái tạo”, “tái sinh” làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa nếu được sự đồng thuận của cộng đồng cư dân sở hữu di sản.
Từ đó, câu hỏi đặt ra là: Làm sao biến “di sản thành tài sản” mà vẫn phát huy được giá trị bền vững? Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, bên cạnh những nguồn lực của Nhà nước, chúng ta phải huy động nguồn lực của xã hội, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần tham gia.
Ông Sơn cũng cho rằng, trước thực trạng nhiều di sản lâm vào cảnh “sáng mở tối đóng,” gây khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị, thì chúng ta có cách tiếp cận mới là bắt tay với công nghệ để số hóa di tích, di sản. Điều đó giúp các di tích, di sản và đặc biệt là du lịch văn hóa có thể trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng cần phải cân bằng một cách hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan. Phải lấy lợi ích của người dân làm trung tâm để từ đó tiến hành các hoạt động di sản, để chúng có thể trở nên bền vững hơn.
Khẳng định vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản là rất quan trọng, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH Quốc gia nhấn mạnh, hoạt động bảo tồn DSVH nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của người dân, phải gắn với lợi ích của dân, chỉ có thể mang lại hiệu quả và thành công khi có sự tham gia tự nguyện của người dân. Đây là một giải pháp quan trọng để bảo tồn di sản bền vững.