Chỉ trong vòng nửa năm (từ tháng 2 đến 8/2015), Bộ VHTT&DL tổ chức 2 cuộc hội thảo xoay quanh chủ đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người. Cũng bởi những hồi chuông được gióng giả muộn màng nên cơ hội bảo tồn bản sắc của các tộc người cũng đang vô cùng mong manh.
Cộng đồng là chủ thể trong bảo tồn văn hóa các dân tộc ít người.
Tiếng kêu cứu từ các tộc người
Hội thảo mới nhất được tổ chức sáng 6-8 có chủ đề bàn giải pháp bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người, đang sinh sống tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum… Tại đây, một thông điệp không mới lại tiếp tục được nhấn mạnh: Văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói trên rất phong phú, đa dạng nhưng chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức và đang đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc văn hoá dân tộc người.
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu, ông Đỗ Hà Long cho biết: Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc, trong đó có 5 dân tộc ít người là La Hủ, Lự, Mảng, Cóng và Si La với hơn 20 nghìn người, chiếm khoảng 5% dân số toàn tỉnh. Cho dù địa phương đã có rất nhiều cố gắng trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, đặc biệt chú ý đến di sản văn hoá các dân tộc ít người, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi.
Trong trường hợp này, có một phần không nhỏ bởi những nguyên nhân khách quan. Theo ông Hà Long, quá trình di dân tái định cư phục vụ thủy điện Lai Châu vừa qua đã cho thấy nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương về vai trò của bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, trong đó có các dân tộc ít người chưa đúng. Lai Châu là tỉnh đất rộng người thưa, địa hình chia cắt mạnh, khó khăn trong giao thông đi lại, nhưng do chính sách phân bổ ngân sách lại được thực hiện theo tiêu chí “phân bổ theo số dân”, nên đầu tư cho văn hoá, đặc biệt là bảo tồn văn hoá với các tộc người dân số ít càng thấp.
Chia sẻ về thực trạng các giá trị văn hóa của dân tộc mình bà Lồ Lài Xỉu, đại biểu dân tộc Bố Y (Lào Cai) cho biết: Nhà ở của dân tộc Bố Y là nhà gỗ lợp ngói máng nhưng sau trận mưa đá lịch sử năm 2012, toàn bộ các mái ngói đã bị hỏng và thay vào đó là lợp mái ngói Pro xi măng. Hiện nhiều hộ gia đình xây nhà cấp 3 đổ mái bằng; ngôn ngữ mẹ đẻ cũng mất dần đi, bởi hiện nay cơ bản người Bố Y không còn dùng tiếng mẹ đẻ nữa mà thay vào đó họ dùng tiếng Quan hỏa (đây được coi là ngôn ngữ chung cho các đồng bào dân tộc vùng biên)...
Không chỉ các đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc mà văn hóa của các dân tộc ở phía Nam cũng đang lên tiếng kêu cứu. Đánh giá về thực trạng việc bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc ít người ông Trần Khánh Lễ - Phó phòng xây dựng nếp sống văn hóa dân cư Kon Tum cho biết: Sự phát triển của kinh tế xã hội cũng kéo theo nhiều hệ lụy trong việc bảo vệ và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như ngày trước họ ở quần cư thì nguyên cả làng 4 phía nhà rông nhưng khi triển khai các đề án về kinh tế như làm một con đường lớn thì họ quy hoặc đất ở thành đất sản xuất, tách hộ và phát triển nhà vườn cho các hộ vậy là từ cảnh quan quần cư họ đã trở thành đô thị hóa giống như làng của người Kinh.
Khi mất đi môi trường thì ý thức cũng dần thay đổi. Ngày xưa người ta giữ được nhiều nghi lễ theo tín ngưỡng đa thần nhưng rẫy lúa giờ không còn thay vào đó là họ làm ruộng nước và họ cho rằng cây lúa vì sống trong bùn hạt gạo không sạch nên không cũng Giàng được như ngày xưa thì trỉa, lúa lên, gặt về.. họ đều cúng. Khi vấn đề canh tác thay đổi thì những tập tục đó của các đồng bào ở Kon Tum cũng mất dần đi.
Người dân là chủ thể
Trước đó, vào tháng 2-2015 một hội thảo bàn giải pháp bảo tồn khẩn cấp bản săc văn hóa của 5 dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 người cũng được Bộ VHTT&DL tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, PGS. TS Lê Ngọc Thắng, Trường Quản lý cán bộ văn hóa đã cho biết, thống kê dân số các dân tộc nước ta năm 2009 có 5 tộc người dưới 800 người gồm: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo. Các dân tộc thuộc nhóm dân số dưới 1.000 người hiện đang có đời sống khó khăn.
Khi ấy, bàn giải pháp cứu văn hóa 5 tộc người nói trên, hội thảo đặt ra vấn đề hết sức quan trọng chính là ý thức của người dân, những chủ thể gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. GS.TS Vương Xuân Tình, Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cảnh báo: Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người không chỉ đơn thuần là câu chuyện văn hóa, nó còn mang tính chính trị văn hóa. Tuy nhiên, đối với dân tộc có dân số ít, bản sắc văn hóa của đồng bào đang rất mong manh.
Về vai trò văn hóa các dân tộc ít người, GS Tình dẫn chứng, mới đây ông gặp gỡ với đại diện của Liên hiệp quốc. Họ nghiên cứu về vấn đề nhân quyền Việt Nam có liên quan tới vấn đề dân tộc thiểu số. Khi hỏi vấn đề nhân quyền với các dân tộc thiểu số, họ đã không hỏi vấn đề nghèo đói mà hỏi về văn hóa, trong đó có chữ viết, ngôn ngữ, trang phục và những bản sắc văn hóa có còn hay không? Điều đó cho thấy câu chuyện bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc, đặc biệt các dân tộc có dân số ít là vô cùng quan trọng.
Qua 2 cuộc hội thảo, nhiều giải pháp cứu văn hóa của các dân tộc ít người đã được đề xuất. Những hồi chuông ấy rung lên dù muộn, nhưng rất cần phải sớm triển khai...