Trong trận bão số 1, cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng, thuộc địa bàn xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, Nam Định) được cơ quan chuyên môn ghi nhận là khu vực bão đổ bộ với sức gió giật cao nhất, cấp 15. Cùng với cửa Ba Lạt, ngày 29/7, PV Đại Đoàn Kết đã có mặt tại Kim Sơn (Ninh Bình), ghi nhận nhiều sự thiệt hại đến không ngờ.
Những ô nuôi tôm chìm trong nước
Dọc con đê bối ngăn nước sông Hồng với khu nuôi trồng thủy sản trước Trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng Ba Lạt, nhiều đoạn bị sóng xuyên thủng, vỡ tung; nhiều đoạn bị đánh hở hàm ếch, nham nhở. Ngay trên khu vực nuôi trồng thủy sản, nhiều cột điện bị đổ, nằm ngổn ngang vẫn chưa kịp được dựng lại; nhiều nhà trông coi của người dân nuôi thủy sản ở đây cũng bị tốc mái…
Trong căn nhà tạm, anh Nguyễn Minh Phong (người xóm 2, xã Giao Yến) cho biết mình có 1,5 ha, chia thành 6 ô nuôi tôm ở khu vực nuôi trồng thủy sản này. Cách nay một tháng rưỡi, anh thả hơn 100 triệu đồng tôm giống.
Bão đổ vào, đê bao bị vỡ, cả khu nuôi trồng trong đó có diện tích của gia đình anh coi như bị mất trắng, một phần do tôm tràn ra kênh, chảy ra sông khi triều rút, một phần do môi trường nước thay đổi, ô nhiễm. Theo kinh nghiệm của anh số còn lại trong đầm cũng khó sống, phát triển được.
“Ban đầu tôi nghe dự báo chỉ là cấp 7, cấp 8 nên chủ quan, cho là bình thường, không chủ động gia cố bờ, tiêu nước. Bởi ở khu vực cửa sông này bình thường cũng đã có gió cấp đấy. Nào ngờ khi nó vào thì giật mạnh cấp 14, 15, kéo dài suốt từ 6h tối đến 12h đêm, chúng tôi trở tay, chống đỡ không kịp!”.
Ngoài số tôm dưới đầm đã bị mất, lo lắng nhất của anh Phong là sau đây, nếu muốn nuôi tiếp sẽ phải mất thêm rất nhiều công, chi phí để cải tạo môi trường nước đã bị ô nhiễm,gia cố bờ đầm…
Đê bối sông Hồng (gần cửa Ba Lạt, thuộc địa bàn xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) bị sóng đánh vỡ, gây thiệt hại nặng cho khu nuôi thủy sản.
Bà Nguyễn Thị Hằng (thị trấn Ngô Đồng), cho biết: biết tin bão sẽ vào, dù được dự báo không mạnh nhưng chiều 27/7 gia đình vẫn tổ chức thu hoạch tôm, phòng bất trắc. Nhưng đang thu hoạch thì gió bão to bất thường, đành bỏ dở.
“Sáng ra thì tôi biết mình trắng tay khi nhìn toàn bộ khu nuôi tôm rộng mênh mông này, trong đó có 2,5 ha diện tích nuôi của nhà tôi ngập trắng trong nước, trong khi đê bao thì bị vỡ. Tôi mang sổ đỏ đi vay ngân hàng, cả vay anh em tổng cộng 1,6 tỷ đồng, đầu tư cả vào đây, giờ chưa biết tính sao?”- bà Hằng nói trong nước mắt.
Ở kế bên khu đầm nhà bà Hằng, ông Trà (người xã Giao Yến, Giao Thủy) cho biết: trước bão, sản lượng tôm thương phẩm trong khu đầm của ông ước khoảng 1,3 tấn (tính theo lượng thức ăn hằng ngày). Thấy dự báo bão không mạnh, ông chủ quan không thu hoạch. Bão vào, nước ngập, hôm sau ông vớt vát cả khu đầm chỉ được 4,5 tạ.
Lợi dụng việc ông Trà bán tôm chạy bão, thương lái thu mua chỉ trả ông 90.000 đồng/1kg thay bằng 110-120.000/1kg như bình thường. Phút chốc bão làm ông Trà mất cả trăm triệu…
Tính đến chiều ngày 29/7, cả huyện Giao Thủy mới chỉ có khu vực trung tâm hành chính huyện được cấp điện trở lại, còn lại tất cả các khu vực khác trong huyện chưa được cấp lại.
Thống kê của UBND huyện cho biết bão số 1 đã làm 8 trạm điện 220 KVA trên địa bàn bị hỏng; 100 cột điện cao thế, 800 cột điện hạ thế bị gẫy, đổ; 3 trạm BTS tại Cồn Lu, Hồng Thuận, Giao Tiến; 71 cột viễn thông trên địa bàn toàn huyện bị gẫy, đổ; nhiều nhà dân bị tốc ngói; khoảng 2000 nhà, lán tạm bị tốc mái, đổ; gần 100% diện tích lúa mùa trên địa bàn bị ngập trắng; 1.500 ha rau màu (100% diện tích) bị dập nát; 2.440 ha nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại; 3 tàu 90 CV bị chìm; ước tính tổng thiệt hại của huyện khoảng trên 650 tỷ đồng.
Thoát chết trong gang tấc
Ông Nguyễn Công Hùng (một hộ dân sinh sống bên ngoài đê Bình Minh II thuộc huyện vùng ven biển Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết, bà con nghe báo bão chỉ giật cấp 8, cấp 9 nên có phần chủ quan. Nhưng cũng là nhờ có sự kiên quyết của chính quyền cùng lực lượng Biên phòng, ngay từ chiều ngày 27/7, ông Hùng đã đưa 5 người thân trong gia đình đến nơi trú ẩn an toàn. “Nếu tối đó mà ở lại thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra”- ông Hùng nói.
Ông Đinh Công Định, chủ chòi ngao tại khu vực gần Cồn Nổi nói rằng, ông cũng cảm thấy lo lắng khi lực lượng chức năng tuyên truyền để mọi người cùng về bờ tránh bão. Không riêng ông Định, mà hầu hết người nuôi ngao ở Cồn Nổi cùng chung băn khoăn. Bởi với họ, toàn bộ tiền tài đều dốc xuống biển, trông chờ con ngao đến kỳ thu hoạch an toàn mới đảm bảo được cuộc sống.
Ông Định kể: “Tôi đầu tư xuống biển hơn tỷ bạc rồi, ngao sắp đến kỳ thu hoạch nên khi quyết định về đất liền, thú thực rất băn khoăn. Nhưng trước sự kiên quyết của lực lượng chức năng, sự ra về của hàng trăm chủ nuôi ngao khác, tôi cũng quyết định ra về. Nếu không quay vào đất liền thì thật khó tránh khỏi thảm họa. Thôi thì phải tự an ủi còn người là còn của anh ạ”.
Chiều ngày 29/7, ông Nguyễn Quang Vinh- Trưởng phòng phòng chống lụt bão thuộc Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Bình cho hay, công tác dự báo về hướng di chuyển của cơn bão số 1 là tốt, nhưng công tác dự báo dài hạn, sức gió của cơn bão thì chưa hoàn toàn chính xác. “Những bản tin dự báo bão được phát đi cho thấy Ninh Bình là địa phương chịu ảnh hưởng ở vùng ria, không nằm trong tâm bão. Nhưng cuối cùng, Ninh Bình lại trở thành nơi tâm bão đổ vào”- ông Vinh nói.
Bão số 1 đã “cướp đi” hơn 1.185 cột điện trung thế và hạ thế, hơn 36.000 ha lúa mới gieo sạ bị ngập lụt và diện tích có thể phải cấy lại lên tới 24.000ha. Trong đó, diện tích lúa bị mới gieo ngập trong nước nhiều nhất tập trung ở các huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh. Đến cuối ngày 29/7, ngành điện vẫn đang đẩy mạnh tiến độ sửa chữa lưới điện để ưu tiên phục vụ công tác tiêu úng. Toàn tỉnh Ninh Bình đang vận hành 59 trạm bơm hoạt động hết công suất nhằm cứu lúa, hoa màu và mở 43 cống thoát nước.
Nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 1 ở Ninh Bình.
Trận bão cũng đã làm cho hơn 1.000 ngôi nhà dân ở Ninh Bình bị tốc mái, đổ tường bao, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng. Tuy chưa có con số thiệt hại cụ thể nhưng chỉ tính riêng huyện Kim Sơn cũng có thể thấy mức độ bão số 1 tàn phá ghê gớm đến mức nào.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Kim Sơn: hơn 7.860 ha lúa ngập trắng (chiếm 95%), diện tích hoa màu thiệt hại ước khoảng 300ha; 359 cột điện bị đổ; sập mái 2 căn nhà; 784 nhà ở lợp mái ngói bị hư hỏng; 28 phòng học bị tốc mái ngói, mái chống nóng; 2 phòng khám bệnh tại trạm y tế và 4 nhà văn hóa thôn bị tốc mái; 50 lều, chòi ngoài đê Bình Minh 3 bị hư hỏng.
Bão đã đi qua, nhưng tổn thất nó gây ra là rất lớn, nhất là đối với những hộ nông dân bởi tài sản của họ đã bị nước cuốn đi.
Sẽ còn xảy ra từ 7 đến 9 cơn bão trong mùa mưa năm nay
Thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, theo các dự báo mới nhất, sau cơn bão Mirinae (bão số 1), năm 2016, chúng ta sẽ còn đón 7-9 cơn bão nữa xuất hiện trong những tháng còn lại của mùa mưa. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, ở Bắc bộ, dù đã xảy ra vài đợt mưa trước đó nhưng đợt mưa lần này (do ảnh hưởng của cơn bão số 1) là đáng kể nhất từ đầu mùa đến nay. Đây là dấu hiệu cho biết rằng, mùa mưa ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ mới chỉ bắt đầu và còn đang ở phía trước. Mùa mưa năm nay sẽ kéo dài đến giữa tháng Mười mới kết thúc. Ông Hải cũng cho biết, năm nay dự báo mưa đến muộn, sẽ có các đợt lũ muộn xảy ra đến tháng Mười. Đối với khu vực Bắc Trung bộ, mùa mưa có thể kéo dài đến tháng 12.
V.Linh