Văn hóa

Bảo vật quốc gia mang hình tượng rồng

HOÀNG MINH - PHẠM SỸ 08/02/2024 20:37

Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, rồng tượng trưng cho sự thiêng liêng, ẩn chứa hàm ý văn hóa vô cùng rộng lớn và sâu sắc. Đặc biệt, rồng còn được chọn là biểu tượng của vương quyền, “chân mệnh thiên tử” của nhiều triều đại. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, những hiện vật quý giá đó đã trở thành những bảo vật quốc gia.

anh-9.jpg
Bảo vật quốc gia “Bộ thành bậc rồng thềm điện Kính Thiên” tại di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh. P.Sỹ.

Dấu ấn rồng trên bảo vật

Theo sử sách, hình tượng rồng xuất hiện sớm trong lịch sử văn hóa nước ta. Trong truyền thuyết “Họ Hồng Bàng”, người Việt coi rồng là tổ tiên. Suốt chiều dài lịch sử, chúng ta luôn tự hào nhắc nhở mình là “con Rồng cháu Tiên”. Theo Thạc sĩ Vũ Thị Hằng - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hình tượng rồng thay đổi theo diễn biến của tiến trình lịch sử dân tộc. Hình tượng rồng được biết đến từ văn hóa Đông Sơn với hình tượng giao long (rồng vùng đất thấp ngập nước quanh năm) trên đồ đồng Đông Sơn. Nhưng phải đến thời Lý, rồng mới được xem như một diện mạo hoàn chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho rằng, hình tượng rồng trên bảo vật quốc gia tập trung vào hai ý nghĩa cốt lõi đó là thể hiện sự linh thiêng và quyền uy của bậc vua chúa cung đình. Ngày nay, biểu tượng rồng vẫn giữ nguyên giá trị. Đặc biệt ý nghĩa linh thiêng của rồng.

Một trong những mô típ trang trí rồng thường thấy trên bảo vật quốc gia là “Nhị long hý châu” (thường được biết đến với các cách gọi như lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nhật, lưỡng long chầu nguyệt...). Điển hình như “Bệ tượng A Di Đà” tại chùa Phật Tích; “A Di Đà” chùa Ngô Xá; “Cột đá chạm rồng” chùa Dạm; “Bia Sùng Thiện Diên Linh” thời Lý, “Bia Ngô Gia thị bi” thời Trần; “Bia Vĩnh Lăng” thời Lê sơ… Đặc biệt, trên những bộ cửa gỗ lớn thời Trần ở chùa Phổ Minh và thời Lê Trung Hưng ở chùa Keo Thái Bình, hình tượng đôi rồng chầu ngọc trở thành đối tượng chủ thể cho nghệ nhân thể hiện năng lực tạo hình.

Chia sẻ về ý nghĩa của hình tượng con rồng trên các bảo vật quốc gia, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: Có một thực tế, trong số các bảo vật quốc gia, hình tượng rồng chiếm tỉ lệ khá lớn trên các hiện vật, di vật được công nhận. Những hiện vật quý giá có trình độ nghệ thuật cao thường gắn với cung đình, gắn với chính quyền Trung ương. Mà rồng là biểu tượng của sự quyền uy. Vì vậy những đầu rồng, hình rồng ở những hiện vật quý là điều dễ thấy.

anh-1(1).jpg
Bộ cánh cửa chạm rồng, chùa Keo Thái Bình. Hiện vật hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Pho tư liệu quý cho thế hệ sau

Những bảo vật quốc gia có hình tượng rồng còn là những câu chuyện kỳ thú, hé lộ những giá trị văn hóa, lịch sử đằng sau đó. Điển hình như pho tượng đầu rắn, nhưng chân có móng vuốt như rồng ở tư thế "miệng cắn thân, chân xé mình" tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh). Niên đại của rồng đá (hoặc xà thần) cũng là điều chưa hoàn toàn thống nhất. Song, pho tượng trở thành bảo vật quốc gia bởi mang hình tượng độc đáo này chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Rõ ràng, những bí ẩn này cần tiếp tục được nghiên cứu, khai mở.

Bảo vật quốc gia “Bộ thành bậc rồng thềm điện Kính Thiên” tại di sản Hoàng thành Thăng Long được xem là có “số phận” gắn liền với sự biến đổi của điện Kính Thiên trong lịch sử. Nó là minh chứng sống động cho những biến động của di tích điện Kính Thiên từ thế kỷ XVII đến nay, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Bộ thành bậc rồng thềm điện Kính Thiên cũng là bộ thành bậc đá duy nhất của kiến trúc chính điện thời Lê sơ hiện còn.

anh-2.jpg
Hình tượng rồng chạm khắc trên cột đá chùa Dạm, Bắc Ninh, thế kỷ XI. Ảnh. Vũ Hằng.

Ngoài ra, bảo vật quốc gia “Hương án” tại chùa Bút Tháp hiện được xếp là một trong những kiệt tác kết hợp của rất nhiều đồ án với nhau, và mỗi hình tượng rồng lại có một vẻ đẹp riêng.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, tại phần thân hương án phía trước có các ô hộc hình vuông được trang trí đồ án rồng cuộn, nằm trong lá đề, bên ngoài có mây lửa bao quanh... Tại chân hương án, mỗi chân trụ có một hình rồng với đầy đủ đầu, thân, bàn chân trước của rồng. Rồng ở đây trong tư thế đang ngóc đầu, miệng ngậm ngọc báu, bờm và tia lửa khỏe khoắn, chân rồng có vảy và lộ ra các móng sắc nhọn...

“Các nhà nghiên cứu cho rằng việc vừa có đồ án hổ phù lẫn lưỡng long chầu mặt trời là dạng thức đồ án kép, hay đồ án chồng đồ án. Đồ án chồng đồ án vừa mang đến cảm giác về thẩm mỹ, vừa là sự kết hợp thần quyền và vương quyền” - PGS.TS Tống Trung Tín nhìn nhận.

Nhắc đến bảo vật quốc gia hình tượng rồng không thể không nhắc đến “Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo” đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bảo vật “Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo” với hình thức rồng độc đáo, quý hiếm, mang đặc trưng cung đình triều Nguyễn, được tạo tác bằng kỹ thuật đúc, khắc và gia công nghiêm cẩn, cầu kỳ.

Đây là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, được sử dụng trên các văn bản tôn phong, gắn với những điển lễ quan trọng của vương triều, trở thành nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử thịnh trị thời kỳ hoàng đế Minh Mệnh nói riêng, của vương triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam nói chung.

Có thể nói, với các bảo vật quốc gia có hình tượng rồng không chỉ là những tài sản quý của đất nước mà đằng sau đó câu chuyện văn hóa, lịch sử dành cho thế hệ mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vật quốc gia mang hình tượng rồng