Trước việc không ít người không tiêm vaccine ngừa Covid-19, các chuyên gia y tế đã bày tỏ lo ngại vì đây là nguyên nhân chính dẫn đến dịch lây lan rộng, kéo dài, gia tăng số người bị bệnh nặng cũng như tử vong...
Nỗi đau chưa kịp tiêm vaccine
Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình (TP HCM) vừa ghi nhận trường hợp dưới 40 tuổi tử vong vì Covid-19. Bệnh nhân có bệnh nền và từng từ chối tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đây chỉ là một trong số không ít ca tử vong do chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại TP HCM
Trước đó, vào ngày 18/12, TP HCM đã công bố hiện có khoảng 14.816 người thuộc nhóm nguy cơ (trên 65 tuổi, có bệnh nền) vẫn chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đây là nhóm có nguy cơ trở nặng và tử vong rất lớn nếu mắc Covid-19. Hiện các địa bàn có nhiều người chưa tiêm vaccine đang khẩn trương thuyết phục những người này tiêm ngay, đồng thời, khẩn trương rà soát người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn.
Kìn nén nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, 53 tuổi (quận 4) cho hay, gia đình có người thân là con gái (34 tuổi) mới mất do Covid-19.
“Con gái tôi mất hôm 6/9 vừa qua. Lúc đó chưa tiêm vaccine do mới chuyển nhà tới chỗ thuê mới nên ở tổ họ chưa kịp lập danh sách. Hồi cuối tháng 8 cả nhà 4 người thì có 3 người bị mắc Covid-19. Tôi được chính quyền đưa đi cách ly bên quận Tân Phú còn cháu ngoại (12 tuổi) được đưa qua quận 7. Riêng con gái tôi lại không chịu đi cách ly vì lúc đó ở nhà còn một cháu nhỏ khác chưa mắc nên tính ở nhà để chăm sóc. Ai ngờ bệnh chuyển biến quá nhanh không cứu kịp. Lúc con gái mất tôi cũng chưa kịp trở về nhà nữa”- bà Linh nghẹn ngào.
Chị Lý Thị Đình (quận Bình Tân, TP HCM) chia sẻ, chồng chị là anh Trương Hoàng Q. (37 tuổi) làm thợ điện lạnh mất ngày 15/8 vừa rồi để lại cho chị 2 người con nhỏ đang học lớp 1 và lớp 4. Nói về cái chết của chồng, chị Đình cho biết lúc đó gia đình chị chưa ai được vaccine. Riêng chồng chị đang đi làm nên công ty đã lập danh sách nhưng chưa kịp tiêm thì anh bị mắc Covid-19 khi đi làm rồi được đưa đi cách ly luôn ở bên Bình Chánh. Thời gian đầu chị cũng liên lạc với anh được nhưng sau đó khó gọi điện vì anh chuyển nặng. Rồi chừng mấy ngày sau bác sĩ thông báo anh mất mà không kịp gặp vợ con lần cuối. Lúc đón tro cốt anh về, chị không dám nói cho hai con biết vì chúng còn quá nhỏ. Đến nay con gái nhỏ mới học lớp 1 vẫn nghĩ ba đi sửa điện sang năm sẽ trở về!
Tại TP HCM, cơ quan chức năng xác nhận nhiều trường hợp ký không tiêm vào giấy tiêm chủng, kể cả đã đến tận nhà vận động. Thực tế này gây khó khăn cho mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân, kéo giảm ca mắc và giảm tỉ lệ tử vong vì Covid-19. BSTrương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TP HCM nhấn mạnh, chống vacccine (anti-vax)là rất nguy hiểm. Hiện tại vẫn có những người băn khoăn, cân nhắc về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Khi họ bị các nhóm anti-vax thu hút và quyết định không tiêm, thì sẽ nguy hiểm cho chính họ. BS Khanh và đồng nghiệp không bất ngờ khi đối mặt với anti-vax. Tuy nhiên, với Covid-19, người anti-vax phải trả giá bằng mạng sống…
Vận động người dân nâng cao ý thức tiêm vaccine
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch TP HCM thông tin, hiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, mỗi ngày thành phố vẫn ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc mới, 40 - 50 trường hợp tử vong. Hiện TP HCM đang điều trị 9.125 bệnh nhân, trong đó có 297 trẻ em dưới 16 tuổi, 463 bệnh nhân nặng đang thở máy, 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Dự báo, số ca mắc mới và ca nặng phải dùng máy thở trên địa bàn thành phố còn nhiều.
Về công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người chưa tiêm, tính đến ngày 22/12, thành phố mới tiêm được gần 4.400 người trong nhóm này (18%). Tỉ lệ tiêm được 18% trong nhóm này là chậm. Đề nghị ngành y tế tăng tốc tiêm chủng cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, hiện nay việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục được triển khai. Sở Y tế sẽ tìm hiểu nguyên nhân, vận động tiêm và tiêm sớm những trường hợp chưa tiêm. Bởi vì có một số người lớn tuổi chống chỉ định tiêm hoặc là người ta có lý do khác. Đề phòng nhóm nguy cơ chưa tiêm sẽ bị nhiễm và trở nặng, sắp tới y tế sẽ đến từng nhà, từng người để hỏi thăm, vận động rồi tiêm cho đối tượng này. Mong là người dân đồng lòng để tiêm.
Trong khi đó, thông tin từ các bệnh viện điều trị Covid-19 tại Hà Nội cho hay, hơn 50% bệnh nhân nặng tại đây là những người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19, phần còn lại tiêm một mũi, có bệnh nền; Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, cơ sở y tế này đang điều trị cho 10 thai phụ có diễn biến nặng, tất cả số này đều chưa tiêm vaccine…
Nhận định tình hình,Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, qua báo cáo của các tỉnh thành phía Nam, phần lớn F0 tử vong là người trên 50 tuổi có bệnh nền và chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19. Theo ông Sơn, bên cạnh duy trì, nâng cao năng lực của các trung tâm hồi sức điều trị người bệnh Covid-19, các tỉnh thành phía Nam cần tăng cường quản lý người trên 50 tuổi có bệnh nền để giám sát chủ động, rà soát tiêm vaccine Covid-19. Có thể tiêm tại nhà với trường hợp không thể đến điểm tiêm.
Hiện Bộ Y tế cũng đang triển khai “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ”, theo đó các tỉnh, thành phố cần rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine phòng Covid-19; đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch..) để tiêm đầy đủ vaccine ngay cho đủ liều.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: Cuối tháng 12, 95% người dân sẽ được tiêm các mũi cơ bản vaccine Covid-19
Tính đến đầu tháng 12/2021, Việt Nam bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho hơn 70% số dân sớm hơn dự kiến. Nước ta cũng là một trong 50 nước đầu tiên trên thế giới đạt được điều này. Với sự nỗ lực tìm nguồn cung vaccine, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và ủng hộ của người dân, chúng tôi tin tưởng hết tháng 12/2021, trên 95% người dân Việt Nam sẽ được tiêm các mũi cơ bản vaccine Covid-19. Với tỉ lệ bao phủ cao như vậy, chúng ta cơ bản đạt được miễn dịch cộng đồng. Việc mắc bệnh Covid-19 giảm đi đáng kể, đặc biệt trường hợp nhiễm bệnh đều có triệu chứng nhẹ, tiến triển nặng giảm rõ rệt và nguy cơ tử vong cũng đã ghi nhận giảm nhiều so với trước đây.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn xây dựng kế hoạch tiêm mũi vaccine bổ sung và nhắc lại. Mũi bổ sung dành cho người trên 18 tuổi đặc biệt người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch. Đối với những người đã tiêm đầy đủ mũi cơ bản, Bộ cũng khuyến cáo tiêm các mũi nhắc lại nhằm có miễn dịch cộng đồng chắc chắn.
Bộ Y tế sẽ nỗ lực để cung ứng đầy đủ vaccine và mong muốn người dân sớm được tiêm vaccine mũi bổ sung với người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch và mũi tăng cường đối với hầu hết người dân từ 18 tuổi trở lên, để có miễn dịch cộng đồng bền vững.
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực Miền Bắc: Không nên lo ngại mà bỏ qua vaccine
Bất cứ vaccine nào, không nói riêng vaccine phòng Covid-19 đều có những tỉ lệ phản ứng bất lợi. Điều này cũng đúng cho các loại thuốc, dược phẩm và thậm chí là thực phẩm. Tuy nhiên, những phản ứng bất lợi này ở tỉ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn. Không nên vì quá lo ngại mà bỏ qua một vũ khí lợi hại bảo vệ chúng ta trước bệnh Covid-19. Ngay tại Mỹ, có một tỉ lệ khá cao người dân nước này không đồng ý tiêm chủng và vì thế dù lượng vaccine dồi dào, tỉ lệ tiêm chủng đạt không cao và dịch vẫn không dừng lại dù số mắc đã giảm.
Cần hiểu rõ, virus sở dĩ biến đổi liên tục và ngày càng dễ lây chính bởi nó vẫn lưu hành liên tục và có cơ hội để tiến hóa. Chỉ khi nào cắt hoàn toàn chuỗi lây truyền thì mới có thể chặn đà biến đổi của virus và để chặn được thì các biện pháp dự phòng cá nhân như 5K của Bộ Y tế kết hợp được với vaccine mới có thể đáp ứng tốt công tác phòng, chống dịch.
Đức Trân (ghi)