Ngày 29/10, Hội thảo Bảo vệ Blouse trắng với chủ đề “An toàn vệ sinh lao động - phòng chống bạo hành tại các cơ sở y tế” đã được tổ chức tại Hà Nội. Thông tin được đưa ra tại đây khiến nhiều người giật mình: Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số vụ bạo hành tại nơi làm việc.
Không chỉ gặp các mối nguy hiểm từ bạo hành, các bác sĩ, nhân viên y tế còn phải làm việc trong một môi trường có nhiều rủi ro về bệnh tật. Ảnh minh họa.
Thiếu chế tài xử phạt
Thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay: Từ năm 2010 đến hết năm 2016, cả nước ghi nhận ít nhất 22 vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, nhân viên y tế. Năm 2017, có tổng cộng 13 vụ. Năm 2018 đã xảy ra nhiều vụ tấn công thầy thuốc nghiệm trọng, trong đó nhiều vụ việc côn đồ vào tận bệnh viện tấn công cả bệnh nhân và thầy thuốc… Từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng 20 vụ bạo hành bệnh viện, tập trung chủ yếu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có 4 bác sĩ, 15 điều dưỡng và một bảo vệ bị hành hung. Đã có 2 trường hợp đoàn viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân.
Bà Phạm Thanh Bình- Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, tình trạng bạo hành cán bộ y tế trong khi làm nhiệm vụ có xu hướng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng về mức độ. Những vụ bạo hành về tinh thần, mà hậu quả để lại tuy vô hình, song lại có tác động không nhỏ, gây tâm lý bất an, thậm chí hoang mang, đối với cán bộ, nhân viên y tế.
ThS Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, mặc dù tình hình nghiêm trọng như vậy nhưng hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng chưa mang tính răn đe cao. Trong khi tại nhiều nước chỉ cần có lời nói mang tính gây hấn với nhân viên y tế có thể sẽ bị giam giữ, còn tại Việt Nam, pháp luật chưa có những quy định chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt nặng nên tình trạng bạo hành như xúc phạm danh dự, bạo hành tinh thần rất phổ biến trong môi trường bệnh viện.
Đối mặt với nhiều nguy cơ
Không chỉ gặp các mối nguy hiểm từ bạo hành, các nhân viên y tế còn phải làm việc trong một môi trường có nhiều rủi ro về bệnh tật- mà theo bà Phạm Thanh Bình, đó là những rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm như hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý stress… Đáng lo ngại là các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp…
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Doãn Ngọc Hải- Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường phân tích thêm, cán bộ y tế đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ chứa mầm bệnh, stress nghề nghiệp như: Nhóm bệnh nghề nghiệp do yếu tố vi sinh vật dễ mắc bệnh lao nghề nghiệp, viêm gan B, C, nhiễm HIV, bệnh leptospira nghề nghiệp. Nhóm bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý dễ mắc phóng xạ, điếc do tiếng ồn và đục thủy tinh thể. Nhóm bệnh liên quan do cả yếu tố hóa học, bụi, dễ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, hen nghề nghiệp… Ngoài ra, nhân viên y tế cũng bị các tác động có hại cho sức khoẻ từ việc làm ca, trực đêm…
Nhiều ý kiến đều có chung quan điểm, việc bảo vệ cán bộ y tế là trách nhiệm của nhiều bên liên quan, không chỉ của người sử dụng lao động, người lao động, các cấp công đoàn mà còn của các bộ, ngành, cấp chính quyền vào cuộc; các cơ quan truyền thông lên tiếng chia sẻ và cần cả xã hội bảo vệ, để họ có thể yên tâm làm tốt công việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân…