Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động. Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn...
Chia sẻ về định hướng sửa Luật Việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Việc làm (sửa đổi) cùng với Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững. Theo đó, việc xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách gồm: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Với nhóm chính sách về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đề xuất bổ sung quy định vào Luật Việc làm về nhóm người tham gia BHTN. Cụ thể, nhóm này bao gồm cả lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã hưởng lương; Bổ sung chế độ hỗ trợ chủ sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động… Bộ LĐTB&XH tính toán, giai đoạn 2015-2021, mỗi năm có 750.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tổng số tiền chi khoảng 9.600 tỷ đồng/năm. Khi sửa Luật Việc làm, với các chính sách chủ động ứng phó để giảm thất nghiệp, số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm khoảng 1%/năm so với hiện nay (tương ứng giảm khoảng 150.000 người/năm), qua đó giúp giảm chi quỹ BHTN trên 1.900 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt từ kinh nghiệm sử dụng quỹ BHTN để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid -19, Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa quy định để chủ động ứng phó về sau. Cụ thể, năm 2021-2022, quỹ BHTN đã hỗ trợ người sử dụng lao động hơn 9.200 tỷ đồng từ chính sách giảm mức đóng, chi hỗ trợ hơn 13,2 triệu người lao động tổng số tiền trên 31.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, Luật Việc làm hiện hành chưa có quy định để Chính phủ chủ động sử dụng quỹ BHTN ứng phó các “cú sốc” như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế. Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung quy định Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp trước các “cú sốc”.
Theo các chuyên gia trong ngành, để bảo vệ quyền lợi của người lao động phi chính thức, một số điều khoản trong hệ thống pháp luật hiện hành phải phù hợp theo cách tiếp cận có tính bảo vệ trong Bộ luật Lao động vừa sửa đổi. Đơn cử như trợ cấp thai sản cần được củng cố, khả năng tiếp cận với dịch vụ giúp việc gia đình với giá hợp lý, bảo vệ chống quấy rối tình dục và mở ra nhiều hơn cơ hội cho phụ nữ trong các ngành nghề...
Theo TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, con số thống kê gần đây cho thấy, cả nước có 53,4% lao động phi chính thức là lao động làm công ăn lương tương ứng với 9,6 triệu người, trong số này hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (97,9%), chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Đây sẽ là gánh nặng rất lớn về an sinh cho ngân sách Nhà nước nếu không kịp thời có những giải pháp tạo việc làm cũng như lưới an sinh bền vững cho nhóm đối tượng này.
Tại Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2023, Chính phủ thống nhất sự cần thiết lập Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu của 4 nhóm chính sách tại Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Tuy nhiên, cần rà soát, nghiên cứu tập trung và đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số giải pháp trọng tâm, thực sự cần thiết. Đặc biệt là nội dung mới mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh để giải quyết vướng mắc thực tiễn, bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật liên quan.