Chiều 14/10, các đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ mội trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đã chia thành 3 tổ thảo luận nhằm chia sẻ những cách làm hay, những mô hình hiệu quả trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì tổ thảo luận với chủ đề: “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và hành động của chúng ta”.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chủ trì buổi thảo luận.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chia sẻ, Thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do ảnh hưởng của chất thải rắn (CTR), CTR công nghiệp, chất thải nông nghiệp,rác thải công nghiệp, nước thải công nghiệp, nước thải làng nghề...
Để phát huy vai trò toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, trong những năm qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường; vận động hướng dẫn tổ chức cho nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư; tuyên truyền và tôn vinh những mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.
Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đều xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt, vai trò của các tổ chức tôn giáo ngày càng được nâng cao, ý thức cho mọi người dân về bảo vệ môi trường sống, xanh, sạch, đẹp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạchđược duy trì.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cần phối hợp mạnh mẽ hơn với các ban, ngành thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn thành phố; Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cơ sở thờ tự và trên toàn địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó cần đẩymạnh các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp các nguồn lực vật chất và tinh thần của các tổ chức, tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi thảo luận.
Chia sẻ về sự vào cuộc tích cực của Hội đồng Chức sắc Chăm BàLamôn tỉnh Ninh Thuận khi vận động các tín đồ tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Lưu Sanh Thanh, đại diện Hội đồng Chức sắc Chăm BàLamôn tỉnh Ninh Thuận cho biết,với sự vào cuộc của Hội đồng Trị sự (HĐTS), ngay sau khi ký kết chương trình phối hợp, HĐTSđã chủ động phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Ban Quản lý các thôn, khu phố thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động bà con trong đồng bào Chăm thực hiện các biện pháp về sinh hoạt trong cuộc sống và sản xuất hằng ngày thân thiện với môi trường như: xây dựng các công trình như nhà vệ sinh, nhà tắm, sử dụng nước sạch; nhận trồng và chăm sóc cây xanh nơi ở và nơi công cộng, tại các cơ sở tôn giáo...Không sử dụng những vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại. Kết quả có 1.480 hộ gia đình ký cam kết đạt tỷ lệ 93,08% cam kết thực hiện.
“Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đồng bào Chăm trên địa bàn, bà con đã ý thức được trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng đồ dùng tiết kiệm năng lượng, hạn chế việc sử dụng bao nylong, chất thải nhựa, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp đúng theo hướng dẫn và quy định”, ông Lưu Sanh Thanh nhấn mạnh.
Linh mục Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Caritas Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh suy thoái môi trường và thách thức của biến đổi khí hậu hiện nay, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc phát huy trách nhiệm của giáo dân trong việc đóng góp bảo vệ môi trường, giữ gìn hành tinh trái đất. Do vậy, việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành nhiệm vụ cấp bách và thiết thực của Giáo hội bên cạnh đời sống Đức tin.
Caritas Việt Nam đã tổ chức 7 cuộc tập huấn cấp quốc gia cho các Caritas giáo phận ở hơn 13 tỉnh, thành cho 89 tu sĩ và giáo dân tham dự. Các cuộc tập huấn đã tạo điều kiện để tu sĩ, tráng sinh và giáo dân nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện hoạt động tăng cường sự nối kết giữa các giáo phận để cùng thực hiện bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Để tiếp tục huy động sự vào cuộc của các Tăng, Ni, Phật tử tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thượng tọa Thích Thiện Quý,Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPG Việt Nam TP HCMcho rằng chính quyền, cơ quan chức năng cần vào cuộc để có biện pháp đối với việc sử dụng vàng mã bừa bãi trên phố; cần sớm có quy trình, quy định và thực hiện thực chất việc thu gom, vận chuyển rác có phân loại khi các hộ dân đã thực hiện phân loại rác tại nguồn; đồng thời cần tăng cường vận động, khuyến khích việc hỏa táng, tạo môi trường sống trong lành cho người dân.
Quang cảnh buổi thảo luận.
Đặc biệt cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về vốn, tín dụng nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là tín đồ tôn giáo tham gia vào hoạt động thu gom, xử lý rác thải.
Tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu tham dự, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, đây là những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết nhằm làm rõ hơn những kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động và đưa ra những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị Tổ Thư ký tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận nhằm bổ sung thêm vào dự thảo báo cáo, trên cơ sở này đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ thảo luận với chủ đề: Tôn giáo với công tác ứng phó biến đổi khí hậu. Ông Knut Christiansen, Giám đốc Tổ chức NCA Việt Nam chủ trì tổ thảo luận với chủ đề: Đáp ứng bền vững và hiệu quả của tôn giáo Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.