Vụ việc ngư dân Trương Đình Bảy (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi) bị bắn chết khi đang cùng bạn tàu hoạt động sản xuất trên ngư trường Trường Sa hôm 26/11 làm dư luận cả nước nói chung, ngư dân nói riêng bất bình, lo lắng. Vấn đề đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, dù cho bất kỳ nguyên nhân, tác nhân nào đi chăng nữa thì hành vi bắn chết ngư dân rất đáng lên án, không thể chấp nhận được. Yêu cầu đặt ra cần khẩn trương có những biện pháp bảo vệ ngư dân.
Ảnh minh họa.
Ngư dân Việt Nam ta trên biển xưa nay có truyền thống thương yêu đồng loại. Cho dù bất kỳ ở đâu, người hay tàu thuyền dù quen, dù lạ khi hoạt động trên biển đều được các ngư dân quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ. Không kể khi mưa dông, bão tố, ngay cả những ngày thường, việc giúp nhau vượt qua khó khăn, từ can nước, vài ba cân gạo, mớ rau, cân hải sản đến cả dầu chạy trên biển cũng là chuyện bình thường. Trên biển rộng bao la, được gặp nhau, được trò chuyện là một hạnh phúc. Cho dù ngày nay, cơ chế thị trường, việc tranh giành luồng cá, khu vực đánh bắt vẫn thường xảy ra nhưng không đến mức phải dùng vũ lực. Trên biển, ngư dân ta tôn trọng nhau, có những luật bất thành văn, như nhường cho tàu thuyền đến trước, hay cùng nhau san sẻ, khai thác. Chuyện chim trời cá nước, duyên ai, nấy hưởng...
Bởi vậy, với việc tàu lạ, kẻ lạ lao lên tàu thuyền, dùng súng uy hiếp, nhất là đã bắn chết ngư dân Trương Đình Bảy khi đang cùng các ngư dân của tàu đánh cá Qng-95861TS đang khai thác thủy hải sản tại vị trí 9 độ, 21’506” Vĩ độ Bắc, 115 độ 27’790” Kinh độ Đông đã là một cú sốc rất lớn đối với ngư dân Quảng Ngãi nói riêng, ngư dân Việt Nam nói chung. Càng sốc khi các ngư dân đang sản xuất, khai thác trên ngư trường của mình. Sự vụ đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin, tình cảm xưa nay của đồng loại, đồng nghiệp. Hành vi ấy, còn hơn cả cướp biển.
Vụ việc hiện đang được các cơ quan chức năng như Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi xác minh. Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cũng đã có văn bản phản đối và yêu cầu điều tra, làm rõ. Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, hành vi bắn chết ngư dân là dã man và không thể chấp nhận được, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, đồng thời cần có cơ chế hữu hiệu hơn nữa trong việc bảo vệ ngư dân. Xung quanh vụ việc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng đã lên tiếng lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam. Ông Bình cũng cho biết, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan.
Thực tế, thời gian qua đã xảy ra không ít các hành vi sử dụng vũ lực trên biển, nạn nhân chính là ngư dân. Như vụ 6 tàu cá của các ngư dân ở Kiên Giang bị bắn ngày 11/9, làm 1 người tử vong tại chỗ và 2 người khác bị thương từng làm xôn xao trong dư luận ngư dân và cả nước. Tiếp đó, cũng ở Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, 10 ngư dân đã bị một nhóm người tàu lạ tấn công, đánh người, cướp tài sản. May sao họ được 2 tàu cá Việt Nam đang hoạt động ở gần ứng cứu đưa về bờ an toàn. Từ các sự vụ xảy ra, không ít ngư dân đã hoang mang.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế biển, trong đó có việc bảo vệ ngư dân. Các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư...ngày càng được củng cố, phát triển. Tin mừng cho lực lượng Cảnh sát biển, ngư dân Việt Nam khi lực lượng này vừa tiếp nhận thêm một con tàu hiện đại có cả sân đỗ trực thăng, có thể hoạt động ổn định ở điều kiện sóng cấp 9, gió cấp 12, đạt tốc độ 21 hải lý/giờ, đủ các phương tiện hoạt động dài ngày trên biển, thực hiện nhiệm vụ ứng cứu, chống buôn lậu, bảo vệ ngư dân.
Tuy nhiên, để bảo vệ ngư dân, yêu cầu đặt ra rất cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các lực lượng bảo vệ biển như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các Nghiệp đoàn Nghề cá cũng như đến mỗi tàu thuyền, mỗi ngư dân. Cục trưởng Cục Kiểm ngư Lưu Văn Huy thì cho rằng, ngư dân trước lúc đi biển cần phải thông báo và làm đầy đủ thủ tục với các cơ quan có thẩm quyền để khẳng định việc ra khơi đánh bắt hợp pháp của mình. Phải kịp thời báo cho các cơ quan có thẩm quyền khi gặp sự cố. Không ít ngư dân, tàu thuyền của ta vẫn còn chủ quan như tắt máy định vị. Các cơ quan có thẩm quyền như Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư cần liên tục theo dõi sát sao, hỗ trợ kịp thời hỗ trợ ngư dân.
Đi biển, làm thủy thủ, ngư dân là một nghề đầy hiểm nguy. Ngư dân cũng cần phải không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, khả năng ứng phó, tự bảo vệ mình trước dông bão cũng như trước những sự cố xảy ra. Đặc biệt, trong tình hình mới, sự phức tạp trên Biển Đông, người dân cần nâng cao cảnh giác. Chỉ có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa lực lượng bảo vệ biển, bảo vệ ngư dân và ngư dân, tạo nên phòng tuyến vững chắc, mới giúp ngư dân thực sự yên tâm bám biển, vươn khơi, bảo vệ chủ quyền.