Sau nhiều vụ việc gây bức xúc trên thị trường bảo hiểm, các chuyên gia đã kiến nghị tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, tăng chất lượng và số lượng chế tài để tạo hàng rào bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ tác động tiêu cực tới toàn thị trường
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đơn vị đã nhận được một đơn khiếu nại của khoảng 100 công dân, về việc một công ty bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng có hành vi lừa dối khách hàng gửi tiết kiệm nhưng lại là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong năm 2022, qua thanh tra đã phát hiện 3.100 trường hợp đại lý bảo hiểm có sai phạm, trong đó có lỗi cố tình tuyên truyền sai về sản phẩm bảo hiểm. Thông qua đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính cho biết đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo.
Các số liệu cho thấy thị trường bảo hiểm cũng còn nhiều hạn chế, chẳng hạn như hợp đồng quá dài trong khi đây là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành nên sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua nếu gặp phải những tư vấn viên không có tâm; đội ngũ tư vấn viên vì tỷ lệ hoa hồng mà cố tình tư vấn sai lệch, dẫn tới những hiểu lầm và nghi ngại khi khách hàng tham gia và sử dụng bảo hiểm.
Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng thừa nhận một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, chăm sóc, giải quyết quyền lợi cho khách hàng. Đặc biệt, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vốn có ưu điểm lớn trong việc tiết giảm chi phí cho người dân, song có tình trạng nhân viên ngân hàng mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ, thậm chí ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm mới cho vay vốn (trong khi hành vi ép buộc khách hàng đã bị cấm).
Điều đáng nói, những vụ việc lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ đã tác động tiêu cực tới toàn bộ thị trường. Ông Đỗ Minh Hoàng - Quyền Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) xác nhận, sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp (DN) đã rất trông chờ vào sự khởi sắc trong năm nay. Tuy nhiên, từ tháng 2/2023, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cùng Ngân hàng Nhà nước liên tục có văn bản yêu cầu các DN liên quan rà soát, báo cáo; Ngân hàng Agribank cũng tiến hành kiểm tra khiến ABIC phải tập trung nguồn lực cho các hoạt động này. Bởi thế, dù thuần túy kinh doanh sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ song 5 tháng đầu năm nay, ABIC chịu mức tăng trưởng âm so với năm 2022.
Trách nhiệm của nhiều bên
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để xảy ra tình trạng thị trường bảo hiểm có sự lộn xộn thời gian qua có trách nhiệm không chỉ của Bộ Tài chính mà cả các cơ quan như ngân hàng, đại lý, DN bảo hiểm. Song, cũng có một phần từ phía khách hàng đã không tìm hiểu kỹ.
Cũng theo ông Hiếu, để bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm, chống tình trạng người tư vấn/đại lý bảo hiểm cố tình thông tin sai lệch, cần có phương pháp kiểm tra phù hợp, khoa học, kịp thời. Nên áp dụng nguyên tắc kiểm tra ngẫu nhiên, hoặc theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Chẳng hạn, nếu thấy số lượng hợp đồng của một DN bảo hiểm nào đó tăng bất thường thì nên tập trung kiểm tra thay vì kiểm tra đồng loạt. Cùng với đó, phải xử lý thật nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Đồng thời, cần phát huy vai trò của Hiệp hội DN bảo hiểm trong việc sàng lọc hội viên. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, người dân chỉ mua bảo hiểm của DN là thành viên của hiệp hội.
Bà Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, phải bảo đảm tốt nhất công khai, minh bạch, bình đẳng quyền lợi giữa các bên, tăng tính hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng - điều kiện không thể thiếu để các hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển ổn định và bảo vệ được người tham gia mua bảo hiểm.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cần hoàn thiện quy định về chuẩn hóa chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm, kiểm soát chặt chẽ công tác đào tạo, thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Bộ Tài chính cần xem xét lại và kiểm soát quá trình thực thi việc triển khai ký các hợp đồng bảo hiểm hiện nay theo hướng mẫu hợp đồng bảo hiểm đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với người tham gia bảo hiểm.
Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, chấn chỉnh ngân hàng thương mại trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp cần thiết, cần phối hợp Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, giám sát các DN, ngân hàng có liên quan. Về phía DN, cần đào tạo tư vấn viên để phục vụ khách hàng tốt nhất. Không chỉ DN bảo hiểm mà ngân hàng thương mại cũng nên có sự phối hợp để đào tạo nhân sự. Đồng thời, nên phân định rõ trách nhiệm giữa DN bảo hiểm và ngân hàng thương mại.
Về phía người tham gia bảo hiểm, theo quy định, có 21 ngày để cân nhắc trước kể từ ngày nhận hợp đồng bảo hiểm. Do đó, cần tận dụng tốt thời gian này để tìm hiểu, tham khảo thật kỹ trước khi ký vào hợp đồng.
Theo bà Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phải tăng tính hiệu quả trong quản lý nhà nước, tăng cường giám sát và xử lý vi phạm để các hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển ổn định và bảo vệ được người tham gia mua bảo hiểm. Trong trường hợp cần thiết Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, giám sát các DN, ngân hàng có liên quan, phân định rõ trách nhiệm giữa DN bảo hiểm và ngân hàng thương mại.