Câu chuyện đôi vợ chồng trẻ ôm con nhỏ đi bộ từ Bình Dương về Tuyên Quang khiến dư luận bất bình khi chủ sử dụng lao động quỵt tiền công mà người lao động tự do không có cách gì tự bảo vệ. Cùng đó, việc nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng đã trở thành một vấn nạn, cho thấy lỗ hổng chính sách trong việc bảo vệ người lao động.
Trưa 17/7, người dân phát hiện vợ chồng anh Duy cùng con nhỏ đi bộ trên Quốc lộ 1 nên đưa đến Trạm Cảnh sát giao thông Hòa Hiệp (Đà Nẵng). Tại đây, người chồng cho biết, vì tin lời quảng cáo tuyển dụng lao động trên mạng xã hội nên đã đưa vợ và con nhỏ từ Tuyên Quang vào Bình Dương, làm phụ hồ tại một công trình xây dựng ở khu công nghiệp. Tuy nhiên, hơn 1 tháng làm việc, vợ chồng anh không được chủ thầu trả lương nên không có tiền ăn uống, thanh toán tiền nhà trọ, tiền sữa cho con. Giấy tờ tùy thân của họ bị chủ sử dụng lao động giữ luôn, không trả.
Cùng đường, đến ngày 12/7, vợ chồng họ đành phải đi bộ về lại Tuyên Quang. Qua 5 ngày, với 4 lần đón xe, vợ chồng anh đến được Đà Nẵng. May mắn thay, trong lúc khó khăn, họ đã được nhiều người dân hỗ trợ. Nhất là việc Cảnh sát giao thông Đà Nẵng đã nhờ xe khách đưa gia đình họ ra Hà Nội mà không thu tiền xe. Họ còn được giúp đỡ tiền ăn uống dọc đường. Sau khi tới Hà Nội, xe khách này còn liên hệ với các xe chạy tuyến Hà Nội - Tuyên Quang để đưa gia đình họ về quê.
Câu chuyện khốn khó của một gia đình trẻ bị chủ thầu xây dựng quỵt tiền khiến người ta chảy nước mắt. Và cũng thật vô cùng xúc động khi còn có nhiều người hảo tâm giúp đỡ. Ngọn lửa tình thương làm ấm lòng người.
Cũng từ câu chuyện này, một vấn đề phải coi là nghiêm trọng cần phải được đặt ra. Đó là ai bảo vệ người lao động (NLĐ) tự do, khi mà họ luôn là đối tượng yếu thế trong cuộc “mặc cả tay đôi” với người thuê họ? Không ít trường hợp NLĐ tự do không có hợp đồng, như rửa bát đũa, dọn dẹp nhà cửa, phụ hồ đã phải uất ức ra đi mà không được chủ thanh toán đầy đủ tiền công. Trong trường hợp đó, trách nhiệm của chủ tới đâu, hay chỉ là bị lên án về mặt đạo đức?
Tuy nhiên, không chỉ NLĐ tự do bị quỵt tiền công, mà kể cả lao động có hợp đồng làm việc cũng bị thiệt hại khi người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho họ. Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp (DN) còn cố tình đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ rất thấp, nên khi về hưu họ sẽ rất thiệt thòi, thiệt đơn thiệt kép.
Hồi tháng 3 năm nay, thông tin từ BHXH Hà Nội cho biết phải đối mặt với một thực trạng đáng lo ngại khi có hơn 90.600 DN chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế. Số tiền nợ tích lũy lên đến hơn 5.400 tỷ đồng, trong đó gồm cả khoản lãi chậm đóng lên đến hơn 1.500 tỷ đồng. Trong số này có hơn 15.000 DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích dẫn đến nợ không có khả năng thu hồi.
Những con số trên cho thấy tình trạng nợ kéo dài, trốn đóng BHXH diễn biến phức tạp. Điều đó ảnh hưởng tới quyền lợi trước mắt, trực tiếp của NLĐ và còn ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài.
Luật BHXH (sửa đổi) quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Được biết, chỉ trong tháng 6/2024, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về BHXH tại các đơn vị, DN trên địa bàn Hà Nội, đã thu về 110,1 tỷ đồng để khắc phục nợ tiền đóng BHXH, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nói về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, trường hợp cố tình trốn đóng BHXH phải đưa ra pháp luật xử lý, bởi trong luật đã quy định có biện pháp xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Tất nhiên trách nhiệm thu hồi chậm đóng BHXH thuộc cơ quan bảo hiểm. Nhưng để xảy ra tình trạng đó trước hết là vi phạm của chủ DN. Không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Nhưng, trong trường hợp này, còn có trách nhiệm của tổ chức công đoàn tại DN. Đại diện quyền lợi chính đáng của NLĐ, công đoàn không thể họ không biết chủ DN đang trốn đóng, dây dưa kéo dài không chịu đóng BHXH cho NLĐ. Biết nhưng không dám kiến nghị yêu cầu phải giải quyết là thiếu trách nhiệm.