Ngày 4/4, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đánh giá việc thể chế hóa Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư trong dự thảo Luật.
Dự và chủ trì Hội thảo có ông Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, sau 12 năm thực thi, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành đã kiến tạo khuôn khổ pháp lý cơ bản để thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới.
Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là yêu cầu cấp thiết nhằm góp phần quan trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo thêm động lực cho nền kinh tế phát triển.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu đã tham gia góp ý trực tiếp vào các điều, khoản của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Một số đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cần quy định rõ hơn về bảo vệ thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi giao dịch, mua bán hàng hóa; các doanh nghiệp cần coi trọng việc cải tiến quy trình, quy định các dịch vụ truyền thống củng cố và phát triển hệ thống phân phối trong nước hiện có, nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới; tăng cường công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…
Đánh giá việc thể chế hóa Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư trong dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng, cần thể chế hóa rõ hơn các nội dung như “chính sách thương mại phù hợp với hội nhập quốc tế; nghiên cứu các biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng”, “nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng”, “chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn”…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy khẳng định, Hội thảo là cơ hội, điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia góp ý sâu vào dự thảo Luật liên quan mật thiết đến đông đảo người dân. Đây cũng là lĩnh vực quan trọng tác động đến việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy, thời gian qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam rất quan tâm đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), bởi đây là dự án Luật có phạm vi tác động rất lớn, không chỉ đến kinh tế mà còn tác động sâu sắc đến đảm bảo an sinh xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người dân. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã gửi cán bộ tham gia thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật, tham gia đầy đủ và có ý kiến đóng góp cụ thể tại các hội nghị lấy ý kiến.
Đồng thời, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ, và việc tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là rất cần thiết.
Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học ngoài việc rà soát, góp ý chung cần tham gia ý kiến với các vấn đề cụ thể hơn, bao gồm trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam; tăng cường công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam, các thương hiệu Việt Nam uy tín, phát triển thương mại điện tử, công khai minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Cùng với đó là hình thành các cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về chất lượng, giá cả, độ an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe của người tiêu dùng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thương hiệu của sản phẩm, bởi đây là những yếu tố quan trọng nhất khi người dân lựa chọn mua sắm sản phẩm, hàng hóa Việt, đồng thời cũng là những giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường trong nước và mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại.
Đồng thời cần có cơ chế khuyến khích, động viên khen thưởng các tổ chức cá nhân có đóng góp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh các đối tượng kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về các chính sách pháp luật và việc thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
“Với trách nhiệm của mình, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo để gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian sớm nhất”, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nhấn mạnh.