Đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực, đời sống xã hội. Không chỉ gây tổn hại về vật chất, “giặc dịch” còn tạo ra những áp lực căng thẳng về đời sống tinh thần cho con người. Đã có không ít những câu chuyện thương tâm, những con người bị Covid-19 tàn phá tinh thần dẫn đến trầm cảm, tổn thương về mặt tâm lý. Vậy làm sao để có thể sớm chữa trị những sang chấn về tinh thần đó?
Đại dịch Covid -19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội mà còn trực tiếp gây ra xáo trộn tâm lý rất lớn, tạo ra áp lực căng thẳng về đời sống tinh thần cho con người. Tỉ lệ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu... đã tăng lên rõ rệt.
Những con số đáng ngại
Tại các nước như Bỉ, Pháp, Ý, Mexico, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, tỷ lệ lo âu vào năm 2020 cao gấp đôi hoặc hơn gấp đôi so với những năm trước. Ở Úc, Bỉ, Canada, Pháp, Cộng hòa Séc, Mexico, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, tỷ lệ trầm cảm cũng tăng gấp đôi hoặc gấp 3 lần trong năm 2020, đặc biệt ở nhóm tuổi từ 18 đến 29, so với năm 2019.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ căng thẳng, lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ của nhân viên y tế trong dịch đã tăng khoảng 30 đến 40%. Tỷ lệ tự tử ở Nhật năm 2020 gia tăng đột biến so với mọi năm, và đáng lưu ý là số nữ sinh tự tử đã tăng gấp đôi năm 2019.
Tại Việt Nam, theo chia sẻ của Bác sĩ Bùi Văn San, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân đi khám ngoại trú tăng lên đáng kể từ khi dịch bùng phát, với khoảng 250 đến 300 người đi khám mỗi ngày, chủ yếu gặp những vấn đề về rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng lo lắng.
Nhiều người dân cũng đã tìm đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội vì rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu dù đã cố gắng tìm cách vượt qua. Lượt bệnh nhân đến khám ngày càng gia tăng, trung bình mỗi ngày Bệnh viện đón tiếp 100 - 150 bệnh nhân.
Giằng xé trong giãn cách xã hội
Chia sẻ với phóng viên (PV) Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Viện trưởng Viện Tâm lý Việt Pháp cho hay: “Chúng tôi liên tục nhận được nhiều cuộc gọi qua hotline hay tin nhắn qua trang Facebook của Viện để yêu cầu sự giúp đỡ tâm lý, rất nhiều nhiều người chia sẻ rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 họ phải đi cách ly, có người thì mất việc làm, áp lực gia tăng nên rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu, một số thậm chí suy nghĩ đến việc tự tử”.
“Em biết mình đang bị stress nặng nề”, Trần X.A (24 tuổi, Nghệ An) bắt đầu câu chuyện một cách thẳng thắn.
Là một thanh niên vô cùng năng động, trước khi Covid-19 ập đến, X.A ngày nào cũng bận rộn với lịch làm việc, sinh hoạt phủ kín cả ngày của mình.
“Ngoài công việc tại một công ty Luật, em còn học thêm các lớp đào tạo về tiếng Anh, tiếng Nhật, kỹ năng giao tiếp…Thời gian rảnh em đi tập thể dục, gặp gỡ bạn bè. Đối với em, phòng trọ chỉ là nơi em về để ngủ khi đồng hồ đã qua 23h đêm”.
Nhưng rồi dịch bệnh Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Giờ đây, X.A làm bạn cùng căn phòng trọ của mình 24/24h.
“Chỉ có 1 ngày đầu giãn cách là em ra khỏi nhà mua đồ ăn để chuẩn bị cho những ngày tiếp theo. Giờ đây, em làm việc online, rồi nấu cơm, ăn cơm và đi ngủ. Mọi thứ đối với em trở nên trống rỗng, em chẳng nghĩ được gì trong đầu, cũng chẳng biết mình đang vật vờ làm những gì”, X.A tâm sự rồi cho biết thêm, em thấy mất cảm xúc, mất hứng thú với tất cả mọi thứ, kể cả mạng xã hội, chơi game, có người gọi điện thoại đến em cũng không muốn nghe máy. Em có cảm giác bị giằng xé trong nội tâm. Em muốn đi ra đường, muốn gặp gỡ mọi người, nhưng biết điều đó là không thể”.
Suy sụp tinh thần vì công ty đóng cửa
Cách đây hai năm, anh H. (34 tuổi) là giám đốc một công ty du lịch quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Khởi nghiệp từ một số vốn khiêm tốn, chỉ sau một thời gian, công ty của H. đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Đồng nghiệp, đối tác đều bị lôi cuốn bởi phong thái nhiệt tình, giàu năng lượng, làm việc liên tục từ 4h sáng đến 12h đêm mà vẫn hài hước, dí dỏm của anh. Vậy mà giờ đây, anh như biến thành một con người khác.
Một đồng nghiệp của anh kể lại, dịch bệnh như đã đánh gục người đàn ông năng động, giàu nhiệt huyết.
“Khi công ty du lịch phải đóng cửa do chịu tác động của Covid-19, anh H. vẫn không chịu thua, anh quyết định đổi sang kinh doanh thực phẩm từ Đà Lạt về TP.Hồ Chí Minh. Nhưng rồi dịch bệnh tại đây bùng phát, công việc kinh doanh thất bại”. Chị Đỗ Thuỳ D. (đồng nghiệp) nhớ lại và kể tiếp về người đồng nghiệp của mình: Hiện tại, anh H. như biến thành một con người khác, ý tưởng nghèo nàn, khó tập trung, thường cảm thấy xấu hổ, bất hạnh, cảm thấy tự ti, mất tin tưởng vào bản thân. Anh gần như rơi vào trạng thái như buồn rầu, ủ rũ… Anh liên tục kiểm tra tin tức trên điện thoại về đại dịch Covid-19 và diễn biến kinh tế thế giới kèm theo là những câu than thở đầy ảm đạm và bi quan về tương lai sự nghiệp...
Những đối tượng dễ bị tổn thương
“Những trường hợp thực tế là vô cùng đa dạng”, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc trao đổi. Theo TS Lộc, trên thực tế đã có những học sinh xuất hiện cảm giác bị cô lập, mất kết nối với bạn bè, lo lắng buồn bực vì việc học tập bị ảnh hưởng, cảm giác bất định về tương lai… khi không được đến trường vì Covid-19.
Thậm chí khi có một tác động từ những việc như mâu thuẫn với bố mẹ, hay bị bạn bè cho ra khỏi nhóm chat, cũng đủ để các em tìm đến những hình thức cực đoan như tự làm đau bản thân (self-harm) để giải tỏa cảm xúc. Các nghiên cứu trên thế giới cũng ghi nhận số học sinh, sinh viên trầm cảm tăng lên và có sự ảnh hưởng bởi căng thẳng dưới thời đại dịch kéo dài.
“Ngoài ra, có những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, họ có rất nhiều lo lắng về việc bị nhiễm bệnh”, TS. Lộc cho biết.
Ở trong khu cách ly, một bà mẹ mang thai chia sẻ với chúng tôi nỗi sợ bị phơi nhiễm bệnh tật, lo lắng dinh dưỡng cho thai nhi không được đảm bảo, sợ việc tiếp xúc xã hội nhưng cũng rất sợ cảm giác cô đơn do phải xa chồng, xa gia đình. Trong điều kiện cách ly, họ rất dễ bị tổn thương về tâm lý và có thể gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu.
(còn tiếp)