Ngày 13/8, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức Kỳ họp lần thứ 12 Hội đồng Trẻ em thành phố năm 2023, với chủ đề “Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”. Đây cũng là hoạt động nhằm chuẩn bị cho phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 1, dự kiến được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 9 năm nay.
TPHCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước thành lập Hội đồng trẻ em, phiên họp đầu tiên được tổ chức vào ngày 22/6/2017, gồm đại biểu trẻ em thuộc nhiều đối tượng, lĩnh vực có thành tích học tập tốt, đạo đức tốt, tài năng trẻ… được bình chọn từ các đơn vị cơ sở. Ở kỳ họp đầu tiên, Hội đồng trẻ em TPHCM trao đổi xoay quanh chủ đề "Thành phố tương lai của em".
Đến ngày 6/7/2018, diễn ra hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, thành phố. Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều hoan nghênh việc tổ chức cũng như hoạt động của Hội đồng trẻ em.
Kể từ đó, hoạt động của Hội đồng trẻ em đi vào nề nếp hơn.
Trở lại với chủ đề “Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em” của Hội đồng trẻ em lần này, được đánh giá là rất thời sự khi mà một bộ phận trẻ em đang bị “bủa vây”, bị thao túng và dẫn dắt bởi mạng xã hội; khi mà cuộc sống tại không gian thật bị ảnh hưởng quá nhiều từ không gian ảo.
Số liệu từ tổ chức ChildFund Việt Nam cho thấy, năm 2023, Việt Nam có gần 78 triệu thuê bao Internet, hơn 66 triệu tài khoản Facebook, và hơn 49,8 triệu triệu tài khoản Tiktok. Trong đó có 87% số tài khoản trên sử dụng Internet hàng ngày, người dùng ngày càng trẻ hóa. Trong khi đó, kết quả khảo sát từ các tổ chức quốc tế cho thấy có tới 1/3 trẻ em nói đã bị bắt nạt qua mạng, hơn 750.000 cá nhân thực hiện tìm kiếm trên Internet để kết nối với trẻ vì mục đích tình dục xuyên biên giới (trong số 30 quốc gia tham gia khảo sát).
Rủi ro trên mạng ngày càng cao hơn khi mà trẻ em là đối tượng dễ bị thao túng.
Đáng chú ý, thông tin từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo khảo sát về trải nghiệm của trẻ em Việt Nam về bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng, có 1% trẻ em được khảo sát bị dụ dỗ gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm; 0,2% trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để đổi lấy video/ hình ảnh nhạy cảm; 0,3% trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để thực hiện hành vi tình dục; 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm mà không có sự đồng ý; 2% trẻ em bị yêu cầu về trò chuyện tình dục.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước tình hình đó trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nhận biết để không lạc lối. Nhưng đó là điều khó khăn khi bố mẹ cũng không thoát khỏi thế giới ảo khi lạm dụng mạng xã hội, Internet thì trẻ em cũng gặp nguy cơ.
Vấn đề “tạo màng lọc”, “tạo lá chắn” trên không gian mạng đặt ra ngày một cấp thiết, nhằm tạo ra một "hệ miễn dịch" khỏe mạnh với những tiêu cực từ môi trường mạng. Hơn ai hết, cha mẹ chính là những người "gác cổng", là "lá chắn" cho trẻ nên cần chủ động tìm hiểu, áp dụng các giải pháp về công nghệ để giúp con em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.
Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quy định pháp lý để góp phần bảo vệ an toàn trẻ em và phòng chống xâm hại cho em trên không gian mạng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng (Quyết định 380, tháng 6/2021). Theo đó, người lớn phải có trách nhiệm đối với việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cùng với cha mẹ, thầy cô giáo thì trách nhiệm cụ thể còn thuộc về các cơ quan an ninh mạng; các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em.
Nhân đây cũng xin được dẫn lại cảnh báo từ Tổ chức phi lợi nhuận CyberKid Vietnam, có ít nhất 7 mối nguy hại trên không gian mạng mà trẻ em phải đối mặt. Đó là: nguy cơ bị đánh cắp danh tính, bắt nạt trực tuyến, quấy rối tình dục trực tuyến, buôn bán người, nghiện game, lừa đảo và tiếp cận nội dung cấm, trái phép.