Ngày 13/1, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tổ chức Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở sở giáo dục”. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không ngăn chặn kịp sẽ nguy hại vô cùng. Quan trọng là chúng ta có quyết tâm làm hay không.
Quang cảnh Hội thảo.
Đại tá Phan Mạnh Trường- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho rằng, quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận môi trường mạng của trẻ em là chính đáng, không thể cấm mà chỉ nên đặt vấn đề làm sao đảm bảo an toàn cho các em trên môi trường mạng. Đưa ra số liệu thống kê trong 3 năm qua, các lực lượng bảo vệ pháp luật mới phát hiện hơn 150 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng với số lượng tương ứng đối tượng, ông Trường cho rằng, số lượng này không phải lớn nhưng cũng không phải là con số phản ánh tình hình thực tế trẻ em bị lạm dụng và xâm hại trên môi trường mạng.
Lý giải cho quan điểm trên,theo ông Trường, đằng sau những con số này, vấn đề cần ý thức, quan tâm hơn là hậu quả để lại của những vụ việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng thậm chí nặng nề hơn nhiều so với việc bị xâm hại trong cuộc sống thực vì một khi những hình ảnh của nạn nhân bị đưa lên mạng thì đó sẽ là “vết tích” lưu lại suốt cuộc đời, không thể can thiệp, tháo gỡ hết. Số nạn nhân không chỉ dừng ở một người bị xâm hại đó làm tất cả những trẻ em xem được những hình ảnh đó cũng chịu hậu quả. “Vụ việc nhóm người Trung Quốc đến Đà Nẵng, thuê nhiều thiếu nữ dưới 16 tuổi quay clip sex, thậm chí live stream cảnh quan hệ tình dục để chuyển cho hàng triệu người ở Trung Quốc theo dõi. Chỉ qua một vụ việc có thể hình dung mức độ ảnh hưởng đến thế nào”- ông Trường cho hay.
Từ thực tế đã từng tham quan một trung tâm ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm trên internet ở Úc, hoạt động này rất hiệu quả khi cơ quan này có thể lọc, ngăn chặn được hàng nghìn trang web độc hại, không chỉ với trẻ em, ông Trường cho rằng cần mô hình những nhóm phản ứng nhanh để phát hiện liên tục, chặn những hướng đối phó với những trang web xấu, độc tại Việt Nam.
Cũng theo ông Trường, kinh nghiệm của Mỹ cho thấy các cơ quan chức năng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc, kiểm soát những hình ảnh về trẻ em, hình ảnh nhạy cảm như tập trung vào bộ phận kín của trẻ được đưa lên mạng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn khả năng xâm hại tình dục trẻ. Thực tế Bộ An ninh nội địa Mỹ từng phát hiện một số vụ đồi trụy, dâm ô trẻ em với nghi vấn nạn nhân là người Việt Nam, nguồn phát tin có dải IP xuất phát từ Việt Nam, bối cảnh thể hiện trong những hình ảnh cũng có cơ sử cho rằng sự việc xảy ra ở Việt Nam. Các đồng nghiệp Mỹ đã ngay lập tức gửi những thông tin cho Công an Việt Nam vào cuộc.
Do đó ông Trường cho biết, từ thông tin dải IP về nguồn phát tán hình ảnh đồi trụy, Công an Việt Nam đã làm việc với nhà mạng để khoanh vùng khu vực, xác định được clip dâm ô của một người đàn ông với bé gái xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Công an đã nhanh chóng phá vụ án, chặn được tội phạm khi mới dừng ở mức độ dâm ô chứ nếu không, khả năng rất cao cháu bé sẽ bị xâm hại nghiêm trọng hơn. Thủ phạm dâm ô với cháu bé trong trường hợp này sau đó được xác định chính là người anh trai của mẹ nạn nhân.
“Chúng tôi thậm chí phải giám định hình ảnh bàn tay người đàn ông xuất hiện trong clip nhạy cảm đó vì đối tượng cầm điện thoại, tự quay nên không thể hiện gương mặt trong khuôn hình. Nói điều đó để thấy việc lọc thông tin về vấn đề này hết sức phức tạp nhưng vẫn có thể kiểm soát có hiệu quả như các nước tiên tiến đã làm được” - ông Trường kiến nghị.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho rằng, chưa bao giờ xâm hại trẻ em dễ dàng như thế nhờ có sự hỗ trợ của môi trường mạng. Trong khi đó qua thống kê cho thấy chỉ 10,4% trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng; 8,6% cha mẹ có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng. Do đó không nên cấm đoán trẻ sử dụng internet mà đồng hành cùng trẻ sử dụng internet càng sớm càng tốt. Đặc biệt cần lưu ý giảng dạy internet tại trường học.
Theo ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cần nhìn rõ xâm hại trẻ em qua mạng, vì phương thức này sẽ lâu dài, tác động tới con em chúng ta. Do đó để phòng chống thì hệ thống quản lý nhà nước, các cơ quan: hành pháp, lập pháp, tư pháp phải cụ thể và kiên quyết hơn. Từ hệ thống lập pháp, văn bản dưới luật cụ thể hóa ra sao?, hướng dẫn của các bộ, ngành thực hiện chặt chẽ hơn như thế nào? Trong giáo dục phải có chương trình chính quy dài hạn, có chương trình cho cha mẹ học sinh, và chính các em sẽ là những tuyên truyền viên. Trong khi đó, bà Lưu Thị Hồng, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho rằng, cần quan tâm đến các kênh tuyên truyền để trẻ em có kiến thức bảo vệ mình tránh khởi các cuộc xâm hại. Vì hiện các kênh truyền thông dành quá nhiều thời lượng cho các cuộc thi sắc đẹp, nhưng thông điệp cho gia đình bảo vệ trẻ em thì quá ít.