Thời tiết khắc nghiệt mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não trong đó có viêm não Nhật Bản. Đây được xem là một trong những bệnh nguy hiểm và gây tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ.
Các bác sĩ cảnh báo: Thông thường tháng 5 hằng năm là bắt đầu vào mùa viêm não Nhật Bản. Theo TS. BS Nguyễn Văn Lâm- Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương, viêm não Nhật Bản hay còn gọi là viêm não B, là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%).
Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.
Cao điểm mùa dịch viêm não hằng năm thường từ tháng 6-8. Đây là lúc thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho các loại virút gây bệnh phát triển.
Viêm não là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương chủ yếu do virus gây ra. Có 3 loại virus thường gây viêm não ở trẻ em là viêm não Nhật Bản, Enterovirus, Herpes simplex. Bệnh có thể lây qua đường muỗi đốt (viêm não Nhật Bản), đường hô hấp (Herpes) hoặc đường tiêu hóa (Enterovirus).
Vì vậy biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là phòng ngừa muỗi đốt và tiêm vaccine phòng bệnh viêm não (Nhật Bản B và não mô cầu). Tiêm ngừa viêm não phải tiêm đủ 3 mũi lúc trẻ 1 tuổi, sau 2 tuần và nhắc lại sau 5 năm. Nếu không tiêm nhắc lại thì xem như trẻ không có miễn dịch.
Riêng đối với viêm não Nhật Bản lây do muỗi đốt (muỗi gây bệnh khác với muỗi sốt xuất huyết) là loại muỗi sống bên ngoài ruộng, hoặc gần các khu vực chăn nuôi heo.
PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm vi rút khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.
Trong số 200 ca mắc viêm não Nhật Bản năm qua, có đến 33,5% các cháu 5-9 tuổi, đây là nhóm có số cháu mắc bệnh nhiều nhất trong 200 bệnh nhân viêm não Nhật Bản được xác nhận.
Về tiền sử tiêm chủng, có 8,8% các cháu mắc bệnh đã tiêm chủng đầy đủ, gần 34% không tiêm, trên 42% không rõ và trên 15% là tiêm chủng chưa đầy đủ.
Tiêm chủng đầy đủ có tác dụng rất tốt trong bảo vệ trẻ tránh được căn bệnh nguy hiểm viêm não Nhật Bản. Năm nay, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ dành 3,8 triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản để tiêm chủng cho trẻ trong các chiến dịch tiêm vét, tiêm tại điểm tiêm chủng thường xuyên.
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine viêm não Nhật Bản B cho trẻ 6-15 tuổi tại các vùng nguy cơ cao (28 huyện thuộc 16 tỉnh), mục tiêu đảm bảo trên 90% trẻ trong độ tuổi này được tiêm chủng ngừa bệnh.
Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.