Giá thịt lợn hơi lên xuống bấp bênh khiến hầu hết người chăn nuôi lợn e ngại tái đàn. Điều này khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm.
Tại “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), không nhiều hộ chăn nuôi lợn có ý định tái đàn. Thực tế, đến thời điểm này chỉ có khoảng 30% số hộ nuôi lợn đã tái đàn.
Theo chia sẻ của ông Trần Hoàng Minh, chủ một hộ chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ, năm 2022, Ngọc Lũ có 5 thôn với hơn 2.300 hộ gia đình thì có đến 1.600 hộ nuôi lợn với tổng đàn hơn 65.000 con. Đến đầu năm 2023, do giá lợn hơi lao dốc liên tục nên cả xã Ngọc Lũ chỉ còn 300 trang trại, hộ gia đình chăn nuôi với hơn 17.000 con lợn.
“Giá lợn lên xuống bấp bênh nên ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người nuôi” – ông Minh nói và cho biết thêm, hơn 3 tháng trước, giá lợn hơi nhích lên, người chăn nuôi rất vui mừng rục rịch tái đàn, có thời điểm tổng đàn lên đến hơn 25.000 con. Nhưng hiện giá lợn hơi lại xuống, giao dịch từ 56.000 - 58.000 đồng/kg, người chăn nuôi không có lãi nên hầu như không tái đàn. Bên cạnh đó, ông Minh cũng như nhiều hộ nuôi lợn trên địa bàn tỉnh cũng không giấu nỗi lo lắng khi giá thức ăn chăn nuôi chưa giảm, trong khi giá lợn hơi lên xuống thất thường, việc tái đàn sẽ khiến người chăn nuôi thua lỗ.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho hay, từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7, giá lợn hơi có tăng cao, nhưng kể từ đầu tháng 8 đến nay, giá lại giảm nhanh. Cộng với việc giá lợn ở mức thấp trong thời gian dài trước đó đã khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng, lượng tái đàn thấp, nguồn cung ra thị trường giảm.
Theo ông Đoán, thông thường vào thời điểm này, tỷ lệ tái đàn của người chăn nuôi sẽ tăng để phục vụ cho nhu cầu cuối năm. Thế nhưng hiện tình hình chăn nuôi tương đối bấp bênh về giá cả, trong khi đầu ra cũng thất thường, thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, và đáng lo ngại hơn cả là dịch tả lợn châu Phi có thể bùng phát... “Những yếu tố này khiến nhiều trang trại hiện không dám tái đàn" - ông Đoán nhận định.
Mặc dù, nhìn bao quát bức tranh ngành chăn nuôi cho thấy, tỷ lệ tái đàn lợn đang khá thấp nhưng nhiều chuyên gia trong ngành vẫn bày tỏ lạc quan khi đưa ra nhận định, sẽ không có tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, để phục vụ nhu cầu thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, thông thường hàng năm, phải sang đến tháng 9, tháng 10, các doanh nghiệp, người chăn nuôi mới tái đàn để đảm bảo thời gian xuất chuồng. Bởi vậy, đây vẫn chưa phải là thời điểm “chín” cho vụ tái đàn nên không lo tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn vào thời gian tới.
Số liệu thống kê cho biết, hiện tổng đàn lợn của cả nước là 28,6 - 28,7 triệu con. Với tỷ lệ đàn lợn hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thị lợn của thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, kể cả dịp Tết Nguyên đán. Thêm vào việc, bước sang tháng 9 người chăn nuôi sẽ tiếp tục tái đàn nên nguồn sẽ đáp ứng đủ cho dịp cuối năm.