Hỏa hoạn từ khu vực nhà ở đơn lẻ trong khu dân cư và nhà ở kết hợp kinh doanh - sản xuất đang là vấn đề rất nhức nhối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây.
“Bà hỏa” tìm đến liên tiếp
Ngay đầu mùa mưa, trên địa bàn TP HCM ghi nhận liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra ở khu vực nhà ở đơn lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh - sản xuất. Điều đáng nói, các vụ hỏa hoạn đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cả về người lẫn tài sản; đồng thời Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) (PC07), Công an TP HCM cũng đưa ra những khuyến cáo ngày càng đáng lo ngại về nguy cơ cháy từ các khu vực này.
Theo đại diện PC07, chỉ 3 ngày, thời điểm đầu mùa mưa năm nay, người dân TP HCM đã hứng chịu liên tiếp 3 vụ hỏa hoạn nghiêm trọng với 1 nạn nhân tử vong và nhiều tài sản bị hư hại. Gần nhất là vụ cháy cửa hàng tạp hóa (số 124 đường Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình) vào rạng sáng 19/4 vừa qua.
Theo ông Phạm Đình Bắc (trú phường 12, quận Tân Bình) nhân chứng chứng kiến vụ hỏa hoạn cho biết, vụ cháy xảy ra rất nhanh, dù lửa không lan rộng nhưng căn nhà mặt tiền rộng chừng 20m2 đã bị cháy rụi, hư hỏng nhiều đồ đạc có giá trị. Theo PC07, Cảnh sát đã kịp thời cứu thoát 2 người dân ra ngoài an toàn.
Trước đó 1 ngày, 1 người đàn ông đã không được may mắn như vậy. Nạn nhân tử vong ngay khi khói xuất hiện và ngọn lửa bùng cháy dữ dội từ 1 căn nhà ở kết hợp kinh doanh quần áo trên đường số 17, phường 11, quận Gò Vấp.
Ông Đinh Hoàng Vân (làm nghề chạy xe ôm trên đường 17) kể lại về giây phút kinh hoàng: “Khói đen kịt nên người bên dưới không nhìn thấy tầng trên căn nhà có người mắc kẹt. Khi cảnh sát dập lửa, tiến vào phía trong mới phát hiện nạn nhân ngạt khói, đã tắt thở. Thật nguy hiểm!”.
Theo đại diện PC07, đây chỉ là 3 vụ cháy mới nhất, trong số 48 vụ cháy xảy ra trên địa bàn TP HCM kể từ thời điểm cuối năm 2021 đến giữa tháng 3 năm nay. Điều được PC07 đặc biệt lo ngại do trong số hàng chục vụ cháy kể trên đã có đến 22 vụ diễn ra ở khu vực nhà ở đơn lẻ, vốn tồn tại không ít các bất cập, hạn chế và hiểm họa về cháy nổ.
Nâng cao cảnh giác
Theo nhận định của PC07, có đến 70-80% nhà ở khu vực dân cư hiện nay được thiết kế theo dạng nhà ống cũ, trong khi phần lớn được tận dụng làm cửa hàng, kho xưởng hoặc để kinh doanh, buôn bán. Điều rất đáng lo ngại là loại nhà ở này hầu hết không có đủ 2 lối thoát hiểm và hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn chưa quan tâm đến việc trang bị các thiết bị PCCC cơ bản.
Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng PC07, Công an TP HCM, qua kiểm tra đột xuất một số nhà ở kết hợp kinh doanh - sản xuất, Cảnh sát PCCC đã nhắc nhở người dân cẩn trọng khi sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt. Cơ quan chức năng cũng hướng dẫn các gia đình cách bố trí vật dụng, thiết bị sao cho hợp lý nhằm đề phòng cháy, nổ; một số hộ được tặng bình chữa cháy mini.
Từ các vụ hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn TP HCM thời gian gần đây, đại diện PC07 cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn ở khu vực dân cư bắt nguồn từ sự cố về hệ thống thiết bị điện; kế đến là bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa. Ngoài ra, một số quận, huyện cũng thừa nhận một số bất cập nhức nhối. Đó là nhiều chủ hộ chưa quan tâm đến giải pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Nhiều khu dân cư hiện hữu, tồn tại từ lâu nên cũng rất khó để mở lối thoát nạn thứ 2. Hầu hết nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh - sản xuất không thể cải tạo mở thêm cửa thoát nạn vì kết cấu nhà ống, xây dựng liền kề. Cạnh đó, các khu dân cư mới chưa đồng bộ giải pháp đảm bảo an toàn PCCC, từ việc quy hoạch đến phê duyệt bản vẽ kiến trúc trước khi cấp phép xây dựng.
Dù vậy, so với nhiều năm trước, một số quận, huyện đã có chuyển biến tích cực về đảm bảo an toàn PCCC ở khu dân cư. Điển hình, Phường 10, Quận 4 quản lý khoảng 87 nhà ở kết hợp kinh doanh - sản xuất và 1.888 nhà ở riêng lẻ. Trong đó, đến nay đã có 79 cơ sở và gần 1.530 nhà ở riêng lẻ xây dựng được 2 lối thoát nạn như luật định.
Tại Hội nghị giao ban chuyên đề triển khai nhiệm vụ công tác quý II-2022 mới đây, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý, xử lý cơ sở chưa nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động. Công an phường, xã, thị trấn cũng cần được tập huấn để đảm bảo tốt nhiệm vụ PCCC-CNCH ở địa phương.