Các chuyên gia không ngạc nhiên về cường độ của thời tiết khắc nghiệt nhưng cho biết, thiệt hại gây ra cho thấy thế giới chuẩn bị chưa tốt như thế nào.
Các thị trấn đẹp như tranh vẽ trên khắp miền Trung châu Âu bị ngập trong nước lũ sau những trận mưa lớn vào cuối tuần trước đã biến những dòng suối yên bình thành những dòng sông dữ dội gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng.
Lũ lụt đã giết chết ít nhất 15 người và phá hủy các tòa nhà từ Áo đến Romania. Các nhà khoa học khí hậu cho biết, họ lo lắng về thiệt hại nhưng không ngạc nhiên về cường độ. Bà Joyce Kimutai - thuộc Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London cho biết: “Lượng mưa thảm khốc đổ bộ vào miền Trung châu Âu chính xác là điều mà các nhà khoa học dự đoán về biến đổi khí hậu”.
Theo bà Kimutai, số người chết và thiệt hại trên khắp châu Phi và châu Âu cho thấy “thế giới chuẩn bị chưa tốt như thế nào cho những trận lũ lụt như vậy”.
Các nhà khoa học rất cẩn thận khi quy kết những trận mưa cực đoan là do tác động của con người vì có rất nhiều yếu tố định hình nên chu trình nước. Mặc dù đã được xác định rõ ràng rằng không khí nóng hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, nhưng việc mưa lớn có xảy ra hay không cũng phụ thuộc vào lượng nước sẵn có để rơi xuống.
Bà Sonia Seneviratne - một nhà khoa học về khí hậu tại ETH Zürich cho biết, các phân tích tức thời về lũ lụt ở Trung Âu cho thấy, phần lớn hơi nước đến từ Biển Đen và Địa Trung Hải dẫn đến nhiều nước bốc hơi vào không khí hơn. “Trung bình, cường độ của các sự kiện mưa lớn tăng 7% cho mỗi độ nóng lên toàn cầu. Hiện Trái đất đang tăng lên 1,2 độ C, nghĩa là trung bình các sự kiện mưa lớn mạnh hơn 8%” - bà Seneviratne phân tích.
Số người chết vì lũ lụt phụ thuộc vào mức độ cộng đồng chuẩn bị ứng phó với mưa và phản ứng với tác động của nó. Các nhà khoa học đã kêu gọi chính phủ đầu tư vào việc thích ứng với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt thông qua các hệ thống cảnh báo sớm, cơ sở hạ tầng kiên cường hơn và các chương trình hỗ trợ cho nạn nhân, đồng thời chấm dứt sự phụ thuộc của họ vào nhiên liệu hóa thạch.