Theo các chuyên gia di sản văn hóa, việc đăng ký cổ vật với cơ quan Nhà nước cần phải thực hiện bắt buộc thay vì chỉ khuyến khích như hiện nay. Tuy nhiên, đề xuất này nếu đưa vào thực thi sẽ tạo ra nhiều lo lắng cho những người sưu tập cổ vật. Vậy, có giải pháp nào hài hoà cho cả hai, mà vẫn giữ nguyên giá trị và bảo vệ được cổ vật không bị thất thoát?
Tại “Hội thảo góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức mới đây, ông Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đề cập đến hiện tượng “chảy máu” di sản. Nhìn nhận về thực trạng này, ông Quân cho biết, tình trạng các con buôn nước ngoài đến mua bán, trao đổi cổ vật diễn ra khá phổ biến.
Chính vì vậy, trong bản tham luận của mình, ông Quân đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn mua bán cổ vật. Những quy định mặc dù đã có nhiều và cụ thể, thế nhưng chưa thực tiễn, quản lý không sâu sát. Theo đó, ông Quân đề cao việc bắt buộc đăng ký cổ vật đối với mỗi cá nhân sở hữu thay vì chỉ khuyến khích đăng ký như hiện tại.
Ý kiến của ông Quân tạo nên nhiều ý kiến trái chiều, bởi theo các nhà sưu tập, việc đăng ký cổ vật là một nhiệm vụ rất khó thực hiện.
Không dễ đăng ký cổ vật với số lượng lớn
Tỏ ra bất ngờ trước đề xuất của ông Phạm Quốc Quân, nhà sưu tập gốm sứ Nguyễn Đương cho biết, điều này sẽ rất khó để tiến hành đồng bộ. Bởi thực tế số lượng người sưu tập cổ vật là rất lớn. Hơn nữa việc không có giấy tờ liên quan cũng là yếu tố gây cản trở cho việc đăng ký cổ vật với cơ quan Nhà nước.
“Số lượng cổ vật trong nhân dân lớn nên việc đăng ký sẽ rất khó để thực hiện. Ngoài ra, nhiều nhà sưu tập không dễ chứng minh nguồn gốc cổ vật, bởi hầu hết các giao dịch mua bán, trao đổi, biếu tặng đều không có hóa đơn chứng từ”, nhà sưu tập gốm sứ nhìn nhận.
Đề cập đến tính khả thi của việc bắt buộc đăng ký cổ vật qua cơ quan Nhà nước, nhà sưu tầm Nguyễn Đương bày tỏ sự lo ngại, ông cho rằng, qua quá trình kiểm tra nếu không chứng minh được nguồn gốc, số cổ vật sẽ rất dễ bị thu hồi.
Lý giải thêm về việc khó lòng thực hiện đồng bộ việc đăng ký cổ vật, ông Đương nhấn mạnh, việc thẩm định nếu không đúng chuyên môn sẽ rất dễ tiếp thay cho các đối tượng vi phạm pháp luật.
Đồng quan điểm với nhà sưu tập Nguyễn Đương, ông Phạm Văn Phát, Chủ tịch Câu lạc bộ nghiên cứu sưu tầm cổ vật UNESCO Quảng Nam cho hay, việc đăng ký quyền sở hữu cổ vật là ý tưởng hay, tuy nhiên sẽ khó thực hiện bởi đa số người chơi cổ vật không lưu giữ một món đồ được lâu mà trao đổi, mua bán liên tục.
Ngoài ra, việc giám định giá trị cổ vật tốn nhiều thời gian và đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia đủ năng lực và trình độ - mà yếu tố này ở nước ta đang thiếu và yếu.
Tìm giải pháp hài hòa
Ông Phát cho rằng, để hài hòa vấn đề gây tranh cãi, cơ quan Nhà nước chỉ nên khuyến khích các cá nhân đăng ký cổ vật quý và có những hình thức khen thưởng cụ thể. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần có mức thưởng bằng 60% giá trị cổ vật dành cho những cá nhân giao nộp cổ vật, thay vì mức thưởng chung không quá 200 triệu đồng như quy định hiện nay.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, vấn đề khuyến khích, động viên, cổ vũ tạo điều kiện cho các sưu tập tư nhân là chủ trương của Đảng và đã được quy định rõ trong luật Di sản.
“Hiện nay, các nhà sưu tầm tư nhân đang quản lý một lượng di sản lớn, rất quý và Nhà nước chỉ kiểm soát được một phần trong số đó. Nếu các nhà quản lý khai thác được triệt để tiềm năng còn thiếu sẽ đóng góp rất lớn vào kho tàng di sản văn hóa của nước nhà”, ông Trụ nhấn mạnh.
Theo ông Trụ, vấn đề gây tranh cãi là do giữa các nhà sưu tập và cơ quan quản lý chưa tìm được tiếng nói chung. Bởi, thực tế, việc có bao nhiêu nhà sưu tập và sở hữu số lượng cổ vật ra sao đến nay vẫn là ẩn số chưa thể thống kê hết.
Nêu giải pháp giải quyết vấn đề gây tranh cãi, ông Trụ cho rằng, giữa 2 bên cần phải cùng nhau hợp tác, để đi đến một đích đến chung. Nếu một bên công khai rõ ràng việc sở hữu bao nhiêu cổ vật thì bên còn lại phải làm tốt công tác giám định, nhận diện hiện vật.
“Chung quy lại cần nhất vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Nhà nước. Về phía nhà sưu tập tư nhân cần phải chủ động hơn trong vấn đề đăng ký cổ vật, đến Sở Văn hóa để được hướng dẫn các quy trình. Còn về phía cơ quan quản lý, khi nhận được hồ sơ thì nên tạo điều kiện để giúp đỡ các nhà sưu tập. Có như vậy, mới hài hòa được các vấn đề gây tranh cãi”, ông Trụ nhấn mạnh.