Mặc dù các cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội) đã phối hợp cùng Ban Quản lý khu di tích Chùa Hương tổ chức tuyên truyền và thường xuyên kiểm tra. Nhưng cảnh cò mồi đeo bám, đánh bài ăn tiền, không đeo khẩu trang… vẫn diễn ra.
Sau thời gian tạm dừng mở cửa phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Trên cơ sở đó, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức và du khách thập phương, UBND huyện Mỹ Đức đã mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương) từ ngày 13/3.
Trước khi mở cửa lễ hội Chùa Hương, Ban Tổ chức cho biết đã xây dựng phương án đảm bảo công tác phòng chống dịch tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho ngày mở cửa.
Sáng 13/3, khu thắng cảnh Chùa Hương bắt đầu mở cửa cho du khách đến vãn cảnh. Tuy mùa lễ hội Chùa Hương năm nay bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn đó nhiều điều cần phải bàn.
Khi Chùa Hương được mở cửa đón khách thập phương trở lại cũng là lúc nhiều dịch vụ ăn theo lễ hội mọc lên như nấm… trong các dịch vụ điều khiến cho du khách cảm thấy sợ hãi và phiền hà nhất chính là tình trạng “cò mồi” đeo bám suốt chặng đường dài để chèo kéo khách thập phương sử dụng các dịch vụ như đi đò, chỗ nghỉ… Mặc dù tình trạng này năm nay có giảm nhưng vẫn còn một số đối tượng công khai hoạt động.
Ngay khi gần tới bến đò suối Yến, một người đàn ông chạy xe máy bám theo, áp sát chúng tôi và liên tục chào mời sử dụng dịch vụ đi đò suốt một chặng đường dài. Mặc dù đã cương quyết từ chối.
Theo ghi nhận trong buổi sáng ngày 14/3, tại bến đò suối Yến, lượng khách lớn đã tập trung tại đây để lên đò bắt đầu hành trình vãn cảnh Chùa Hương. Tuy nhiên, hầu hết các thuyền hoạt động chở khách trên một hành trình dài lại không được trang bị đầy đủ áo phao cứu hộ. Có chăng cũng chỉ là một vài chiếc dụng cụ nổi để có lệ.
Khi một số du khách thắc mắc về việc không chuẩn bị áo phao thì người lái thuyền vừa cười vừa nói “lát nữa sẽ có”, thế nhưng cả một chặng đường dài di chuyển vẫn không có áo phao và phải di chuyển trong thấp thỏm bởi có thời điểm nhiều chiếc thuyền va vào nhau khiến cho không ít du khách hoảng loạn.
Mặc dù không được trang bị áo phao nhưng nhiều chiếc thuyền nhỏ chở hàng chục du khách có dấu hiệu quá tải, nước mấp mé mạn thuyền khiến cho con thuyền trở nên chênh vênh giữa dòng nước. Bên cạnh đó, có nhiều du khách không đeo khẩu trang.
Đem vấn đề này trao đổi với đại diện Ban Quản lý khu di tích Chùa Hương, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban thừa nhận không thấy thuyền nào có áo phao, ông cho biết các thuyền có dụng cụ nổi nhưng khi chúng tôi phản ánh việc nhiều thuyền thậm chí không có bất cứ một dụng cụ nổi nào thì ông Hiển cho biết giải thích: “Đặc thù của Chùa Hương là các thuyền gần nhau, mỗi thuyền có một số dụng cụ nổi. Khi có sự cố thì các thuyền sẽ tung dụng cụ nổi ra. Còn lúc nào cũng tuyên truyền phải đầy đủ để đảm bảo an toàn trên đường thủy”.
Ông Hiển cũng cho biết nhiều đoàn về kiểm tra cũng yêu cầu những người kinh doanh dịch vụ vận chuyển phải có áo phao cho khách: “Sáng nay chúng tôi kiểm tra thuyền nào không có yêu cầu phải mua bổ sung”.
Ông Hiển còn cho biết thêm là chưa có trường hợp nào xảy ra (tai nạn đường thủy). Thế nhưng nhiều người vẫn chưa thể quên về sự cố thuyền bị lật xảy ra gần Cầu Hội cuối tháng 7/2020 do ảnh hưởng của thời tiết, may mắn không có thương vong.
Không chỉ vận chuyển du khách không đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển mà nhiều nhà đò còn để cho du khách ngang nhiên, công khai đánh bạc ngay trên thuyền. Việc này đã gây phản cảm tới hình ảnh của chốn tôn nghiêm. Về vấn đề này ông Hiển cho biết từ sáng 14/3, Đoàn kiểm tra đã bắt một vài trường hợp để xử lý, bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền.
Dọc hành trình vào Chùa Hương, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều thuyền chất đầy hàng hóa ra rả chào bán. Cảnh tượng người mua kẻ bán với tay kéo thuyền trao đổi mua bán ngay giữa dòng thuyền đang tấp nập đi lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Sau một hành trình di chuyển chênh vênh trên chiếc thuyền không có gì đảm bảo cho sự an toàn, thậm chí có thời điểm phải chuyển thuyền ngay giữa dòng theo yêu cầu của chủ thuyền thì cuối cùng cũng đã đặt chân lên được bến Trò - nơi được người lái thuyền bật mí là có thịt thú rừng bày bán.
Rời thuyền, hình ảnh trước mắt mà chúng tôi chứng kiến đó là thịt của nhiều loài động vật được bày bán tràn lan mà theo vị đại diện Ban Quản lý di tích cho biết đó chỉ là những động vật được nuôi và khẳng định đó không phải là thịt thú rừng.
Tuy nhiên những lời chào bán của một số nhân viên bán hàng tại bến Trò thì có cả chồn đá, cầy hương… đã làm thịt sẵn và được hét giá nửa triệu đồng một kg.
Dù không biết đó có phải là thịt thú rừng thật hay được hô biến từ loài động vật khác để “lừa đảo” du khách nhưng hình ảnh nhiều loài động vật bị mổ phanh còn máu, nhe nanh vuốt được bày bán ngay trên mặt bàn, chính cửa đã tạo ra sự rùng rợn nơi đất Phật.
Vẫn biết đó là những chuyện diễn ra tại lễ hội này trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã có kiểm tra, xử lý nhưng dường như vẫn còn có sự lỏng lẻo, chưa thực sự mạnh tay xử lý dẫn đến giá trị một lễ hội cấp quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh phản cảm, xấu xí.