Bất cập những cây cầu vượt

Bắc Vũ 26/03/2016 09:10

Năm 2015, tỉnh Nghệ An là địa phương có nhiều hệ thống cầu vượt được đưa vào sử dụng. Mỗi cây cầu vượt đều được đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Nếu như cầu vượt QL46 sử dụng khá hiệu quả khi giảm ùn tắc tại nút cắt đường sắt Bắc-Nam đoạn đi qua phường Cửa Nam, thì 2 cây cầu vượt tại nút giao đường sắt và QL1A tại xã Nghi Kim, TP Vinh và cầu vượt Yên Lý tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu lại hoạt động không hiệu quả. 

Bất cập những cây cầu vượt

Hầu hết các phương tiện vẫn lưu thông qua nút cắt giữa đường sắt và QL1A.

Không thể... đóng chắn

Dự án Cầu vượt nút giao giữa đường sắt Bắc–Nam (KM 314+ 713) với QL1A (KM 456+ 629) tại xã Nghi Kim, TP Vinh có chiều dài 1,1km, được thiết kế, xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và chiều rộng nền đường là 35,75m, bao gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ với vận tốc thiết kế 60km/h, 2 làn đường gom, dải an toàn, lan can đường...Riêng nhịp cầu đường sắt bố trí thêm 2 lề đi bộ, tổng mức đầu tư của Dự án hơn là 373 tỷ đồng. Còn Dự án cầu vượt đường sắt Yên Lý (xã Diễn Yên, Diễn Châu) cũng có mức đầu tư với kinh phí 348 tỷ đồng.

Vậy nhưng, sau khi những cây cầu vượt này đi vào hoạt động cũng là lúc xuất hiện những bất cập. Đó là tại các nút cắt giữa đường sắt và QL1A vẫn không thể đóng chắn, tức là việc băng qua đường sắt vẫn diễn ra hàng ngày tại các nút giao thông này. Nếu như cầu vượt tại xã Nghi Kim (TP Vinh) điểm giao cắt đã được đơn vị thi công xây dựng thêm cầu vượt cho người đi bộ nhưng thực tế không ai đi, rất lãng phí. Còn cầu vượt Yên Lý không những không có cầu vượt cho người đi bộ mà ngay cả việc đóng chắn rất khó khăn. Qua tìm hiểu, PV báo Đại Đoàn Kết đã ghi nhận hiện tượng người dân cản trở việc xây dựng, thậm chí hành hung, tụ tập đông người gây sức ép với đơn vị thi công. Vậy là, mục đích xây cầu vượt đường sắt để tránh xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông nhưng ở hai cây cầu vượt nói trên mục đích này chưa thực hiện được, mặc dù cả hai dự án đã đưa vào sử dụng được một thời gian dài. Riêng tại cầu vượt Yên Lý hầu như không có bóng dáng các phương tiện qua lại.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với chúng tôi thực trạng tại cầu vượt xã Nghi Kim (TP Vinh) ông Nguyễn Đức An - Giám đốc Ban quản lý Dự án Sở GTVT Nghệ An cho hay: “Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ thiết kế cầu Cửa Lò – Nam Đàn vượt qua QL 1A và đường sắt Bắc Nam, còn QL1A đi Nam Đàn hiện tại vẫn phải để nút giao bằng cũng như giao qua đường sắt. Tuy nhiên, lý do lớn nhất hiện nay do đường gom làm chưa xong nên chưa đóng được chắn, trong năm nay chúng tôi cố gắng đền bù giải phóng mặt bằng để hoàn thành đường gom và tiến hành đóng chắn”.

Còn đối với cầu vượt Yên Lý, lý do chưa đóng chắn, theo ông Nguyễn Ngô Nghĩa – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng giao thông 4 (CienCo 4) đơn vị thi công cho rằng: “Trước hết phải khẳng định, trong thiết kế phải có cầu vượt cho người đi bộ tại nút cũ, sau khi xong sẽ đóng chắn. Tuy nhiên, hơn 6 tháng trôi qua nhưng chúng tôi vẫn chưa xây dựng được cầu vượt cho người đi bộ. Nguyên nhân là dân họ cản trở không cho thi công với lý do về quyền lợi bấy lâu, sợ nứt nhà cửa....Công ty đã có ý kiến lên tỉnh Nghệ An, Bộ GTVT, các cấp chính quyền hỗ trợ giúp đơn vị thi công an dân để thi công nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được”.

Ông Chu Thế Huyền – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Liên quan đến chỗ đó thì tỉnh giao cho Sở GTVT xử lý, nếu như giải phóng mặt bằng thì thẩm quyền của huyện, còn đây không phải”. Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An lại đùn đẩy sang cho huyện Diễn Châu: “Hiện tỉnh đã thành lập đoàn để giải quyết vấn đề này, riêng trách nhiệm ở đó thì phải do địa phương chứ Sở có giải phóng... đâu”.

Thế là, những cây cầu vượt trăm tỷ khi xây dựng nhằm mục đích giảm tai nạn giao thông và ùn tắc nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu những dự án này đã được tính toán kỹ lưỡng trước khi động thổ hay chỉ là “xây xong rồi để đó?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập những cây cầu vượt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO