Bà Kathryn Wylde - Giám đốc điều hành Tổ chức Partnership for New York City (Mỹ) đưa ra dự báo: “Rất có thể Omicron lại tạo ra một bước lùi đối với phục hồi kinh tế, nhưng nhân loại sẽ không chịu đứng yên mà vẫn tiến về phía trước. Năm 2022 có thể được coi là cơ hội đối với nhân loại sau 2 năm khủng hoảng do đại dịch Covid-19”.
Bà Wylde cũng cho biết, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh, nhiều công ty tiếp tục yêu cầu nhân viên ở nhà, làm tiêu tan hy vọng của các chủ doanh nghiệp về việc người lao động có thể trở lại làm việc trực tiếp ngay trong tháng 1/2022.
Bà Wylde dẫn chứng việc lễ Giáng sinh và lễ đón năm mới vừa qua, chỉ trong chưa đầy 1 tuần, hơn 3.000 chuyến bay thương mại đã bị hủy trên phạm vi toàn cầu.
Cảnh tượng được mô tả là “hiu hắt” khi hàng đoàn máy bay của hãng hàng không Delta đậu tại sân bay quốc tế John F.Kennedy, thành phố New York (Mỹ) ngay ngày đầu năm mới.
Tự tin hay e dè?
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Aneta Markowska của Ngân hàng Jefferies (Mỹ) thì đây chỉ là sự gián đoạn tạm thời, không đảo ngược được việc mở cửa phát triển kinh tế. Thêm nữa, biến thể Omicron cho thấy dù tốc độ lây lan nhanh nhưng ít ca bệnh nặng cũng như tử vong, nên không có chuyện các quốc gia phong tỏa trở lại.
“Chúng ta đã có những bài học đau thương khi phải chống cự với biến thể Delta trong suốt năm 2021, thì nay không lý gì phải sợ hãi thêm. Tôi cho rằng năm 2022 sẽ là năm chứng kiến sự tăng tốc ấn tượng của kinh tế toàn cầu” - bà Aneta nói.
Nhưng, cũng với bài học từ năm 2021 khi cho rằng kinh tế thế giới sẽ bật dậy, nhưng cuối cùng đã không thành công do đại dịch Covid-19 bùng phát quá dữ dội với những làn sóng dịch bệnh kéo dài; giới chuyên gia kinh tế e dè hơn khi dự đoán tương lai của năm nay.
Chuyên gia David Kelly của Tập đoàn tài chính JP Morgan (Mỹ) cho rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2022 sẽ chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ của năm 2021, mức tăng thấp nhất kể từ quốc gia này bắt đầu kế hoạch hồi phục kinh tế sau đại dịch. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 3 tháng đầu năm 2022 có thể sẽ yếu đi do lo ngại biến thể Omicron.
“Hiện vẫn còn quá sớm để kết luận liệu Omicron có làm đảo ngược những bước tiến gần đây trong nỗ lực gỡ nút thắt, khơi thông chuỗi cung ứng hay không. Nhưng chúng ta không nên quên rằng chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang trong tình trạng “dễ bị tổn thương”, đặc biệt là khi thế giới đang đánh giá rủi ro liên quan đến Omicron” - tiến sĩ David Kelly nói.
Vừa chống Omicron vừa ngăn lạm phát
Quý IV/2021, hầu hết các quốc gia trên thế giới rơi vào tình trạng lạm phát do dịch Covid-19 bùng phát quá dữ dội. Tại Mỹ, lạm phát gia tăng nhanh. Cụ thể, tỉ lệ lạm phát tăng 6,2% trong tháng 10 và 6,8% trong tháng 11. Tháng 12 được dự báo sẽ không dưới 7% và đó và là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1982. Giá cả cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) đã tăng 4,6% trong năm qua. Giá xăng tăng 50%, giá thịt tăng 14,5% và chi phí thuê nhà cũng tăng hơn 15%.
“Lạm phát đã vượt quá khoảng chấp nhận của Ngân hàng Trung ương Mỹ, dấy lên nhiều suy đoán về việc cơ quan này có thể bị rơi vào thế phải siết chặt chính sách tiền tệ ngay từ tháng đầu tiên của năm 2022. Nếu điều đó xảy ra, hy vọng nó sẽ sớm đạt đỉnh và dần đi xuống vào 6 tháng cuối năm 2022”, Marin Cofiedl, chuyên gia chứng khoán Chicago đưa ra nhận xét.
Còn theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, gói kích cầu 1.900 tỉ USD của Tổng thống Joe Biden có thể đã phần nào tạo nên tình trạng lạm phát. Song, tình hình lạm phát hiện nay chủ yếu là do đại dịch và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao ở nhiều ngành hàng. Có nghĩa là năm 2022, sẽ vừa phải đối phó với biến thể Omicron vừa phải lo chống lạm phát.
Để đối phó, theo bà Janet Yellen, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cần phải kiểm soát chặt chẽ việc tăng lương để tránh rơi vào “vòng xoáy tiền lương - giá cả” khá nghiêm trọng và dai dẳng từng xảy ra vào những năm 1970. Trong khi đó, lại xuất hiện làn sóng “không hào hứng” với việc trở lại văn phòng làm việc ngay từ tháng đầu của năm mới 2022.
Trong một bài phát biểu dài bất thường cuối năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát những tín hiệu cho thấy lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới vẫn ở mức cao khi bước vào năm mới 2022. Tuy nhiên, ông Biden cũng trấn an người dân rằng giá năng lượng và các hàng hóa then chốt khác đang bắt đầu giảm xuống.
Tương tự, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng FED cần chuẩn bị ứng phó với kịch bản lạm phát không suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2022.
Còn tại Nhật Bản, chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp (CGPI) được sử dụng để đo lường mức giá mà các công ty tính phí hàng hóa và dịch vụ của nhau, đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng theo năm cao chưa từng thấy kể từ khi Nhật Bản công bố dữ liệu này vào năm 1981, một dấu hiệu cho thấy khủng hoảng chuỗi cung ứng và chi phí nguyên liệu thô leo thang đang trút sức ép lên giá cả hàng hóa và dịch vụ bán lẻ.
Thực tế này đã “xát muối vào vết thương” của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vốn đang trong hành trình phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Chuyên gia kinh tế Takeshi Minami của Viện Nghiên cứu Norinchukin cho rằng, do Nhật Bản phải nhập khẩu nhiều loại hàng hóa nên khó khăn trong quý đầu của năm 2022 là khó tránh khỏi.
Trong khi đó, theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), kinh tế của quốc gia này gần như không tăng trưởng, nhất là từ khi biến thể Omicron xuất hiện. Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới nên vấn đề lạm phát là rất hệ trọng.
Chuyên gia Maike Currie của Công ty Fidelity International (Anh) dự đoán Ngân hàng Anh nhiều khả năng sẽ không nâng lãi suất để tránh lạm phát. “Sức chống chịu của nền kinh tế không chỉ dựa vào tốc độ tăng trưởng, mà còn cả ở khả năng kiềm chế lạm phát” - vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, “bóng ma Covid-19” tuy vẫn lởn vởn nhưng không còn có thể đe dọa được thế giới. Xu hướng mở cửa “sống chung” với virus SARS-CoV-2 đã không thể đảo ngược.
“Chúng ta có thể chưa có bước tiến dài về khôi phục kinh tế nhưng rõ ràng là năm 2022 sẽ tăng trưởng tốt hơn nhiều so với năm 2021, trên phạm vi toàn cầu. Dù Covid-19 với những biến thể mới hay là vấn nạn lạm phát có thể còn đe dọa nhưng thế giới vẫn tiến về phía trước” - tiến sĩ Maike Currie lạc quan nói.
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London (Anh) dự báo, kinh tế thế giới sẽ vượt mốc 100.000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2022, sớm hơn 2 năm so với dự báo trước đó. GDP toàn cầu sẽ tăng lên nhờ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch tiếp tục được duy trì. Theo các nhà phân tích của CEBR, bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron, các biện pháp phòng chống dịch bệnh sẽ không quá chặt chẽ so với trước đây, do khả năng miễn dịch trong cộng đồng đã được cải thiện. Trong khi đó, khả năng thích ứng với đại dịch của nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc các biện pháp hạn chế được áp đặt trở lại sẽ gây ít thiệt hại hơn. Tuy nhiên, nói như Douglas McWilliams - Phó Chủ tịch CEBR thì vấn đề quan trọng là cách các nền kinh tế thế giới đối phó với lạm phát. Nếu các vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế không được kiểm soát, thế giới có thể sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc năm 2024.
Dự báo của CEBR cũng tương tự với ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi cho rằng GDP toàn cầu sẽ vượt mức 100.000 tỷ USD vào năm 2022.