Vậy là học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới. Có lẽ hiếm có việc gì lại “huy động” sự quan tâm của hầu như tất cả mọi người, mọi nhà như lễ khai giảng đầu năm học. Câu nói “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” không phải chỉ là một khẩu hiệu bởi vì có gia đình Việt Nam nào lại không “liên quan” đến một đứa trẻ đến trường.
Trong ký ức của nhiều người lớn, xưa kia, ngày khai trường thật đẹp, thật xúc động. Đó là ngày được mặc quần áo mới (tất nhiên là không phải đồng phục như hiện nay) và náo nức đến trường. Thầy hiệu trưởng đánh hồi trống khai trường cùng với lời Bác Hồ vang lên: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em".
Mỗi mùa khai trường đến, đối với rất nhiều người lớn đã từng trải qua tâm trạng “nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường” lại không thể nào không suy nghĩ về việc càng ngày, trẻ em càng không còn náo nức với ngày khai giảng.
Chúng ta hôm nay trách trẻ em vì sao không còn rung cảm trước những câu văn ấy. Nhưng lại không đặt vào bối cảnh ngày khai trường của một thời kỳ mới, một bối cảnh xã hội đã khác để thấu hiểu các em.
Vào ngày khai giảng, đối với nhiều trẻ em, nhất là học sinh tiểu học, các em hoàn toàn không hiểu nghĩa của những bài diễn văn dài dằng dặc mà chúng phải đội nắng để nghe. Chúng ta luôn nói ngày khai giảng là dấu ấn đẹp nhất trong cuộc đời học sinh. Nhưng sẽ không bao giờ trở thành dấu ấn đẹp nhất khi hiện nay, không ít trường, việc tổ chức khai giảng quá rườm rà, tốn kém hoặc năm nào cũng theo một kịch bản giống nhau khiến học sinh không còn chờ đón, mong ngóng.
Không nên và không thể để tâm hồn học trò mỗi ngày mỗi nghèo nàn, cảm xúc mỗi ngày mỗi xơ cứng. Tương lai của một đất nước, của dân tộc phải được bồi dưỡng, bồi đắp từ hôm nay.
Có một nhà sư phạm đã nói rằng: Trường học và gia đình là hai thành lũy cuối cùng bảo đảm an toàn cho các em trong một xã hội dù có nhiều tác động trái chiều. Các em phải được tận hưởng hạnh phúc ấy để sau này đến lượt mình, các em sẽ lo cho hạnh phúc cho thế hệ sau các em. Hạnh phúc của những ngày tới trường được bắt đầu bằng ngày khai giảng - ngày sẽ trở thành kỷ niệm đẹp chứ không phải là ngày mà các em cảm thấy phải chịu đựng cho xong.
Nếu còn những khuôn thức sáo rỗng lễ lạt của ngày khai giảng, khẩu hiệu “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” sẽ chỉ là khẩu hiệu. Hãy để ngày khai giảng bỏ qua những lễ nghi, là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời mỗi con người. Nơi những thầy cô gương mặt hiền từ đón các em vào lớp và vẹn nguyên trong lòng các em cảm xúc đầu tiên của mỗi năm học mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh 2 triệu đồng bào chết vì nạn đói năm 1945, thù trong giặc ngoài và 90% dân số mù chữ, vẫn nhìn ra việc phải làm cấp tốc ngay lúc đó là nâng cao dân trí. “Giặc dốt diệt. Việt Nam cường” - một khẩu hiệu trong những ngày bình dân học vụ còn nóng bỏng thời sự đến ngày nay. Nhắc lại để thấy, giáo dục - dù xã hội có biến đổi thế nào - vẫn quyết định sự hưng vong của một quốc gia. Ở đấy, không thể để những lề thói của xã hội xâm lấn. Ở đấy, cần một môi trường trong lành, vẫn mãi “mơn man” những kỷ niệm nuôi dưỡng tâm hồn và khí chất người Việt Nam trong thời đại mới.
Năm học 2024 - 2025 là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đổi mới giáo dục bắt đầu bằng đổi mới ngày khai trường, giản dị và đẹp đẽ!