Mới đây, Ngân hàng UOB (Singapore) công bố Báo cáo triển vọng toàn cầu quý IV/2020, trong đó có nội dung về thị trường Việt Nam. UOB đánh giá, do đại dịch Covid-19, các nền kinh tế đều khó khăn, suy giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Từ đó có thể thấy bằng việc kiềm chế được đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong quý IV/ năm nay và dự báo sẽ tăng trưởng đạt 7,1% vào năm sau.
UOB dẫn nhận định của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam là “một ngôi sao sáng trong bối cảnh ảm đạm vì Covid-19”.
Vẫn theo UOB, dự báo mức tăng GDP của Việt Nam vào quý IV/2020 là 4%, thấp hơn các mức dự báo trước đó. Tuy nhiên, tính cả năm, mức tăng trưởng vẫn đạt là 2,8%.
Tương tự, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cho rằng, dù gặp rất nhiều khó khăn từ Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 1,8% trong nửa đầu năm nay. “Điều khích lệ là làn sóng Covid-19 lần 2 đã được ngăn chặn thành công chỉ trong vòng 1 tháng, giúp Việt Nam trở lại lộ trình phục hồi nền kinh tế mặc dù có thể ở tốc độ chậm hơn so với dự đoán ban đầu” - HSBC nhận định và cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 2,6% vào năm nay.
Nhìn về phía trước, theo HSBC, năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 8,1%”.
Như vậy, UOB và HSBC cùng gặp nhau ở chỗ khi dự báo rằng trong năm nay nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương ở mức từ 2,6% đến 2,8%. Và năm sau, mức tăng trưởng có thể nói là ở mức lý tưởng: 7,1% hoặc 8,1%.
Những dự báo này của các tổ chức tài chính nước ngoài đều dựa trên những cơ sở dữ liệu cụ thể, vì thế mang tính khách quan cao.
Tính từ đầu năm tới nay, chúng ta đã trải qua hai đợt dịch Covid-19 kéo dài. Trong tình thế bắt buộc phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ để chống dịch thì việc sụt giảm đà tăng trưởng là không thể tránh khỏi. Nhìn ra các nước trong khu vực, thì các dự báo tăng trưởng đều rất giới hạn. Rộng ra toàn cầu, các nền kinh tế lớn của thế giới cũng đã và đang tiếp tục điêu đứng vì đại dịch Covid-19. Nói điều đó để thấy chủ trương và cũng là quyết tâm của Chính phủ thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa hồi phục, phát triển kinh tế là hết sức đúng đắn.
Không chủ quan mất cảnh giác với dịch nhưng cũng không thể “ngồi yên” đợi dịch đi qua, mà vẫn phải phát triển kinh tế. Một thực tế khác cũng cho thấy, khi chúng ta bắt đầu mở cửa lại bầu trời, đẩy mạnh giao thương với các nước thông qua xuất khẩu, thì các biện pháp phòng, chống dịch vẫn được duy trì. Vì thế đã hơn 40 ngày Việt Nam không xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng.
Một vấn đề nữa cũng cho thấy quyết tâm và sức bật của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, đó là nhanh chóng và mạnh mẽ tận dụng thời cơ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (kể từ ngày 1/8/2020). Những mặt hàng lợi thế của Việt Nam, đặc biệt là các loại nông sản đã nhanh chóng “lên đường sang châu Âu”.
Nếu rụt rè, lo ngại thì sẽ mất thời cơ. Thật may mắn chúng ta đã không phạm phải điều đó.
Tuy nhiên, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thế giới thì mức độ phụ thuộc lẫn nhau cũng tăng lên. Không thể có chuyện “một mình một chợ”, “việc ta ta cứ làm” mà phải “trông giỏ bỏ thóc”, phải “buôn có bạn bán có phường”. Chính vì thế, đẩy mạnh xuất khẩu nhưng Chính phủ cũng đã thúc đẩy tiêu thụ trong nước, vì rằng một quốc gia với 97 triệu dân là một thị trường lớn.
Trong việc hướng tới thị trường trong nước thì cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lại càng thêm ý nghĩa. Và ở một khía cạnh khác, nó cũng cho thấy ý nghĩa mới của cuộc vận dộng này: Khi đất nước phải đương đầu với đại dịch thì chính chúng ta sẽ đoàn kết lại để tạo nên sức mạnh “vượt bão”.
Nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đi đầu trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì nay vai trò đó càng được phát huy.
Trở lại với những dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, chúng ta thêm vững tin vào triển vọng tươi sáng phía trước. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, dịch bệnh vẫn còn đó, nhiều quốc gia vẫn chìm sâu trong khủng hoảng. Điều đó nhắc chúng ta rằng không bao giờ được phép lơ là, chủ quan. Thực tế những đợt giãn cách xã hội vừa qua cho thấy nó sẽ đem tới những hậu quả lớn thế nào cho đất nước. Không chỉ mức sản xuất sụt giảm, mà kinh doanh cũng tụt giảm, tiêu dùng xã hội cũng xuống thấp, số doanh nghiệp ngừng sản xuất tăng, thêm nhiều người thất nghiệp, người nghèo đã khó lại khó hơn…
Vì thế, cũng xin được bày tỏ lo ngại rằng ở thời điểm này nhiều nơi có dấu hiệu mất cảnh giác với dịch bệnh. Thật đáng ngại khi ngày càng có nhiều người ra đường không đeo khẩu trang. Hàng quán không thực hiện những đòi hỏi tối thiểu của phòng dịch. Và cũng không thấy chính quyền cơ sở nhắc nhở (lại càng không phạt) người vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19.