Bất hợp lý trạm BOT: Đi 100 m trả tiền cả chặng(!?)

Tuấn Quang 21/03/2017 17:11

Người dân di chuyển từ TP Long Xuyên (An Giang) đi TP Rạch Giá (Kiên Giang) qua Quốc lộ 80 chỉ sử dụng 100 m đường Quốc lộ 91 cũng bị thu phí 100% như các xe sử dụng Quốc lộ 91. Chỉ 100 m mà thu đủ, đối với 1 xe tải 15 tấn đi và về mất 400.000 đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Ngày 21/, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng thu phí bất hợp lý trên các tuyến BOT.

Hiện nay, TP Cần Thơ có 2 dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 và Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp. Tổng nguồn vốn đầu tư của 2 dự án hơn 3.869 tỉ đồng.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Qua quá trình vận hành, khai thác 2 dự án BOT trên địa bàn thành phố xuất hiện những bấp cập liên quan đến thu phí gây bức xúc trong người dân đã được các phương tiện truyền thông đưa tin.

Trong đó, để “né” trạm thu phí BOT Quốc lộ 1 đặt trên địa bàn quận Cái Răng, nhiều xe tải lưu thông vào các tuyến đường dân cư thuộc khu vực Thạnh Phú, Yên Hạ, phường Thường Thạnh khiến chính quyền địa phương và người dân bức xúc vì mặt đường xuống cấp và mất an toàn giao thông.

Ông Đào Anh Dũng mạnh dạn chỉ ra một số bất cập khác như: Hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng tuyến mới mà chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu, trong khi hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới.

Nhiều phương tiện né trạm thu phí BOT Cái Răng gây hư hỏng đường tỉnh lộ.

Một số dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, nhưng lại “độc đạo” (như quốc lộ 91) khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dịch vụ của dự án BOT.

Công tác lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án BOT giao thông hiện chưa được cạnh tranh, chủ yếu là chỉ định thầu do nhu cầu cấp bách, chưa thực hiện được hình thức đấu thầu quốc tế công khai, rộng rãi hoặc có đăng báo thì chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Chính điều này đã khiến cơ chế cạnh tranh bị mất đi, những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí… chỉ thỏa thuận, chưa mang tính chất thị trường.

Trong khi đó, hiện nay, TP Cần Thơ chưa có dự án giao thông BOT do địa phương quyết định đầu tư.

Giải thích điều này, Phó Chủ tịch Đào Anh Dũng cho biết: Dự án giao thông kêu gọi theo hình thức BOT trên địa bàn thành phố chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Có những tuyến đường liên huyện, liên tỉnh thuộc thẩm quyền quản lí của thành phố có lưu lượng xe tương đối ít, chi phí đầu tư thường cao hơn các địa bàn khác do hệ thống sông ngòi chằng chịt, nền đất phù sa có tính cơ lí yếu phải xử lí rất tốn kém, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao do TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương,...

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô An Giang, bày tỏ: Trạm thu phí T2 dự án mở rộng Quốc lộ 91 đặt trên địa bàn quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) bất hợp lý, vì cách trạm thu phí T1 chưa đến 40 km, mức thu lại cao hơn mức thu đường cao tốc, trong khi đó đây chỉ là đường nâng cấp và mở rộng.

Tuyến đường di chuyển từ TP Long Xuyên (An Giang) đi TP Rạch Giá (Kiên Giang) qua Quốc lộ 80 chỉ sử dụng 100 m đường Quốc lộ 91 cũng bị thu phí 100% như các xe sử dụng Quốc lộ 91. Chỉ 100 m mà thu đủ, đối với 1 xe tải 15 tấn đi và về đã mất 400.000 đồng.

Đối với phương tiện vận chuyển vận tải công cộng như xe buýt đi qua trạm thu phí làm giá vé tăng lên và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, việc đầu tư các tuyến đường này xuất phát từ nhu cầu của địa phương và được lấy ý kiến các địa phương một cách đầy đủ. Để điều chỉnh và tìm giải pháp khắc phục những bất hợp lý nêu trên cần đàm phán với nhà đầu tư và các ngân hàng. “Chúng tôi sẽ trao đổi với nhà đầu tư, ngân hàng để điều chỉnh. Có thể theo hướng xe sử dụng đường trong phạm vi 300-500 m sẽ miễn phí bà con, còn sử dụng 500 m đến 1 km thì giảm vé tháng xuống 50%...”.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Hiện Bộ đang quản lý 74 trạm thu phí BOT trên cả nước và để rà soát lại các dự án này, trong một năm nay Bộ không cấp mới dự án BOT nào. Đối với các dự án đang gây bức xúc thì Bộ phải xử lý. Riêng bất hợp lý tại trạm T2 (Quốc lộ 91) mà Hiệp hội vận tải ô tô phản ảnh, về lâu dài thì tháng 10/2017 sẽ khởi công dự án tuyến tránh TP Long Xuyên, khi hoàn thành (năm 2019) thì các xe không sử dụng đoạn đường này nữa.

Cũng theo ông Nhật, sau cuộc giám sát, kiểm tra này, Bộ sẽ đề xuất Quốc hội chỉnh sửa một số luật để thu hút nhà đầu tư. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận những bất cập trên đề nghị sửa đổi để người dân giảm phàn nàn về các trạm thu phí BOT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất hợp lý trạm BOT: Đi 100 m trả tiền cả chặng(!?)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO