Ông Lý Hiển Dương, em trai của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, vừa công khai ủng hộ và gia nhập một chính đảng đối lập mới. Mâu thuẫn và chia rẽ gia đình đang được đẩy lên đến tột cùng trong đệ nhất danh gia vọng tộc ở đảo quốc sư tử.
1. Gia đình ông Lý Quang Diệu được xem như “đệ nhất danh gia vọng tộc” của đảo quốc sư tử trong hơn 60 năm qua. Ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên của Singapore, điều hành nước này từ năm 1959 đến năm 1990. Ông được ca ngợi là người đã biến Singapore từ thuộc địa cũ nghèo của Anh thành một trong những xã hội giàu mạnh, ổn định nhất thế giới.
Trong 3 người con của nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu, người con trai cả Lý Hiển Long, 67 tuổi, từng nắm các chức Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng trước khi trở thành Thủ tướng Singapore thứ 3 của đảo quốc này từ năm 2004. Trong con mắt của cha mình, ông Lý Hiển Long là người “kế thừa xứng đáng” khi đứng ra nắm quyền lãnh đạo gia tộc họ Lý cũng như đất nước.
Trong khi đó, người con trai thứ hai Lý Hiển Dương, 63 tuổi, từng giữ chức Chủ tịch và Tổng Giám đốc tập đoàn truyền thông khổng lồ SingTel trước khi trở thành Chủ tịch Cục Hàng không dân dụng Singapore (CAAS). Trong nhiều năm liền, người cha Lý Quang Diệu và người anh Lý Hiển Long nắm quyền đất nước, ông Lý Hiển Dương không mấy xuất hiện trước công chúng.
Người con gái Lý Vỹ Linh, 65 tuổi, không đi theo con đường chính trị hay kinh doanh như anh và em trai, mà là một nhà khoa học nổi tiếng, từng giữ chức Giám đốc và hiện là Cố vấn cao cấp Viện Khoa học thần kinh Singapore. Lý Vỹ Linh luôn tự nhận mình là người “cổ quái” và “chẳng giống ai”. “Miễn tôi thích là được” – bà nói.
2. Từ năm 2017, hai năm sau cái chết của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, mâu thuẫn giữa các con của ông về ngôi nhà cũ của gia đình đã bị lộ ra trước công chúng. Tháng 6/2017, bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương đã cáo buộc anh trai lạm dụng quyền lực và lợi dụng di sản của người cha quá cố để trục lợi về chính trị.
Theo tài liệu công bố, ngôi nhà 38 đường Oxley được ông Lý Quang Diệu để lại cho con trai cả Lý Hiển Long sau khi ông qua đời ngày 23/3/2015 ở tuổi 91. Lý Hiển Long sau đó bán lại ngôi nhà cho người em là Lý Hiển Dương. Trong một tuyên bố chung tháng 12/2015, cả ba anh em thông báo ông Lý Hiển Long và Lý Hiển Dương đồng ý quyên góp một nửa giá trị căn nhà Oxley Road cho 8 quỹ từ thiện nhân danh cha họ.
Hai người em cho rằng thay vì bánngôi nhà của ông Lý Quang Diệu như di nguyện của người đã khuất, ông Lý Hiển Long tìm cách biến nơi này ngôi nhà riêng của mình. Khi đó, ông Lý Hiển Long đã bác bỏ những cáo buộc này, cho rằng những đánh giá như vậy là vô căn cứ. Ông cũng nói muốn giải quyết vấn đề trong nội bộ gia đình, không muốn đưa các em ra tòa.
3. Tưởng như mâu thuẫn trong gia tộc họ Lý chỉ dừng lại ở đó. Nhưng mọi thứ chia rẽ trong gia tộc họ Lý đã và đang đi quá xa. Ngày 24/6, ông Lý Hiển Dương nói với Hãng tin Reuters rằng ông đã gia nhập Đảng Tiến bộ Singapore (PSP), một ngày sau khi ông Lý Hiển Long tuyên bố giải tán Quốc hội trước thềm bầu cử diễn ra vào ngày 10/7.
Ông Lý Hiển Dương đã công khai ủng hộ ông Tan Cheng Bock, Chủ tịch Đảng PSP- một đối thủ chính trị của anh trai mình. “ Ông Tan Cheng Bock chính là nhà lãnh đạo mà Singapore xứng đáng có được” – ông Lý Hiển Dương khẳng định. Không những thế, ông này cũng đã chỉ trích mạnh mẽ Đảng Hành động nhân dân (PAP) do ông Lý Hiển Long lãnh đạo. Điều mà không ai muốn nhắc đến là chính đảng PAP vốn được cha của 2 người thành lập từ lúc nước này độc lập năm 1965.
“Tôi tham gia đảng PSP vì tôi nghĩ ông Tan Cheng Bock cam kết làm điều đúng đắn cho đất nước và người dân Singapore. Ông ấy yêu đất nước. Ông ấy đã tập hợp những người cùng chia sẻ tầm nhìn mà tôi tin rằng sẽ giúp Singapore tốt đẹp hơn” - ông Lý Hiển Dương nói.
Trong tâm thức nhiều người dân Singapore – đất nước vốn có nhiều người Hoa di cư và sinh sống, việc ổn định quốc gia bao giờ cũng được đặt lên trên sự ổn định của các gia tộc. Thế nhưng, sự mâu thuẫn, chia rẽ của những người trong gia tộc cầm quyền rất dễ đưa đất nước đến “những sự thụt lùi của phát triển”.