'Bắt tay' cùng làm công tác cán bộ

An Hà 02/03/2023 06:44

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri Đà Nẵng về chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận còn tình trạng nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án. Đây là “vấn nạn” tồn tại từ rất lâu trong môi trường đào tạo, học thuật; đã phải nhận nhiều phê phán của xã hội nhưng chuyển biến chậm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nguồn lực đầu tư hạn chế, chất lượng đào tạo sau đại học trên thực tế không đồng đều trong toàn hệ thống, một số đơn vị chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế đào tạo. Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng nhiều công bố khoa học chưa cao, chỉ ở mức đối phó đủ điều kiện công trình.

Nhiều người vẫn chưa quên vụ đề tài luận án tiến sĩ “Phát triển cầu lông cho công chức thành phố Sơn La” vì nó quá kỳ cục, chỉ cần một bài báo phản ánh in báo địa phương là đủ. Nhưng nó lại được nhân bản ở các đề tài luận án khác sau khi đã thay tên, đổi địa điểm. Nhất là vụ “lò ấp tiến sĩ” tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã bị Thanh tra Chính phủ phanh phui: Chỉ tính từ ngày 1/4 đến ngày 14/4/2016, đã có gần 60 học viên bảo vệ xong luận án.

Trên thực tế, việc háo danh, mua bằng với mục đích “leo cao, luồn sâu” đã được sự tiếp tay của các cơ sở đào tạo, của những hội đồng, người hướng dẫn. Từ đó dẫn tới nạn “loạn” thạc sĩ, tiến sĩ.

Chính vì thế, để lấy lại sự trong sáng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các cơ sở đào tạo phải tăng cường công khai từ danh mục đề tài luận văn, luận án, học viên cao học, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và nội dung các luận văn, luận án trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

Đây được coi là “bắt đúng bệnh” của người đứng đầu ngành giáo dục - đào tạo, nhưng sau đó việc “kê đơn” như thế nào thì vẫn phải chờ. Chỉ có công khai, minh bạch, rõ danh tính mới có thể chặn được nạn gian dối, mới dần dần “cho ra lò” được nguồn nhân lực trình độ thực đúng với bằng cấp thay vì “xuất xưởng những đội ngũ gian dối”.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/2/2023 Chính phủ đã có Nghị định số 06/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển. Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức và việc này được tổ chức định kỳ 2 lần 1 năm, vào tháng 7 và tháng 11.

Nghị định quy định rõ: Không bố trí những người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đăng ký kiểm định hoặc của bên vợ (chồng) của người đăng ký kiểm định; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người đăng ký kiểm định; những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng kiểm định, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng kiểm định.

Nghị định 06/2023 của Chính phủ cũng nêu rõ: Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức phát hiện người được tuyển dụng sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định thì đề nghị có văn bản gửi Bộ Nội vụ để hủy bỏ kết quả kiểm định. Các trường hợp bị hủy bỏ kết quả kiểm định sẽ thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ, trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Người bị hủy bỏ kết quả kiểm định không được đăng ký dự kiểm định trong một kỳ kiểm định tiếp theo.

Như vậy, cùng với siết lại đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thì việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức thông qua thi tuyển chính là “đơn thuốc liều cao” rất cần thiết sau khi đã “chẩn đúng bệnh”. Điều này được ví như sự “liên thông” giữa cơ sở đào tạo với nơi sử dụng nhân lực, hay nói cách khác là cơ sở đào tạo và nơi tuyển dụng “bắt tay” cùng làm công tác cán bộ.

Lâu nay, căn cứ xét tuyển, bổ nhiệm cán bộ dẫu có quy định, quy trình nhưng vẫn nặng tính hình thức khi dựa nhiều vào văn bằng, chứng chỉ như một “điều kiện cứng”. Điều đó khiến những người thực tài, thực việc bị gạt sang một bên, còn người đã chuẩn bị sẵn nhiều loại bằng cấp dễ dàng có được vị trí công tác tốt.

Làm trong sáng môi trường đào tạo, học thuật cũng như minh bạch từ cơ sở tuyển dụng là để hướng tới một xã hội thực học - thực việc; ngăn chặn nạn háo danh, bằng cấp, thay vào đó là xây dựng đội ngũ cán bộ không gian dối, có tâm có tầm để gánh vác việc công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bắt tay' cùng làm công tác cán bộ