Sau gần nửa thế kỷ bị bỏ hoang vì tọa lạc trên phần đất của 2 địa phương Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, Hải Vân Quan đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Lần đầu tiên, một di tích vật thể có sự “bắt tay nhau” của 2 địa phương để cùng lập hồ sơ công nhận di tích, cùng chung tay quản lý, bảo vệ tôn tạo, trùng tu.
Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Hùng- Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng xung quanh sự kiện này.
Ông Huỳnh Hùng.
PV:Hải Vân Quan nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam, ở ngay đỉnh đèo Hải Vân nhưng lại bị “lãng quên” trong thời gian rất dài. Xin ông cho biết đôi nét về lịch sử, tầm vóc của di tích Hải Vân Quan.
Ông Huỳnh Hùng: Vào lúc 14h30 thứ tư, ngày 24/5 tại đỉnh đèo Hải Vân, lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ cùng có mặt, đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia Hải Vân Quan từ đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là sự kiện hết sức phấn khởi không chỉ đối với Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế mà đối với bất cứ ai quan tâm đến văn hóa - di sản.
Hải Vân Quan được trùng tu vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng. Vòm ải trông về Nam (Đà Nẵng) được khắc tạc 3 chữ “Hải Vân Quan”. Vòm ải trông về Bắc khắc tạc 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Tương truyền, 6 chữ “Thiên Hạ đệ nhất hùng quan” là do vua Lê Thánh Tông ban tặng.
Hải Vân Quan án ngữ vị trí chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiểm soát sự đi lại trên con đường thiên lý Bắc - Nam cả thủy lẫn bộ và là công trình phòng thủ đối với kinh đô Huế dưới triều nhà Nguyễn. Từ đây có thể quan sát, cảnh giới tàu thuyền vào ra vùng biển Đà Nẵng - Quảng Nam.
Hiện trạng Hải Vân Quan.
Điều gì khiến Hải Vân Quan gần như bị bỏ mặc cho mưa nắng, thưa ông?
- Hải Vân Quan xuống cấp trầm trọng và trở nên hoang phế. Tai nạn giao thông đường bộ đối với du khách cũng đã xảy ra ở đây. Nguyên nhân khách quan và chủ quan là Hải Vân Quan tọa lạc ở đỉnh đèo Hải Vân, là ranh giới giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ranh giới này đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng hay cũng có thể nói là đang còn tranh chấp. Có người nói Hải Vân Quan thuộc Thừa Thiên-Huế, cũng có người nói Hải Vân Quan nằm trên đất Đà Nẵng.
Đây là lý do suốt một thời gian rất dài (gần 1/2 thế kỷ), Hải Vân Quan không được ai quan tâm quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy. Di tích xuống cấp trầm trọng với các công trình xây dựng sứt mẻ, bong tróc, đổ sụp theo thời gian. Không chỉ có bảng, biển quảng cáo dựng sát vào di tích mà còn cả am miếu tự tiện mọc lên cộng với rác rưởi lưu cữu.
Một thời gian rất dài cả Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế không thể tìm được “tiếng nói chung” trong việc lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia Hải Vân Quan nhưng nay thì mọi việc đã khác. Xin ông giải thích thêm về chuyện này.
- Một thời gian dài, rất dài, 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế chưa “ngồi lại được với nhau” để bàn bạc thấu đáo, mở hướng cho di tích Hải Vân Quan thoát khỏi tình cảnh hoang phế, nhếch nhác đến đau lòng.
Tôi và anh Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế là “đồng môn” từ thời học đại học nên dễ dàng đi đến quyết định, thống nhất tham mưu cho lãnh đạo 2 địa phương cùng lập chung hồ sơ xin công nhận di tích cấp quốc gia đối với Hải Vân Quan. Cuối năm 2016, chúng tôi đã ngồi lại, “bắt tay nhau” để cứu Hải Vân Quan.
Trước đây Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế không tìm được tiếng nói chung vì khi làm hồ sơ xin công nhận di tích đều sử dụng bản đồ riêng của địa phương mình. 20 năm trước, Thừa Thiên-Huế từng làm hồ sơ xin công nhận Di tích quốc gia Hải Vân Quan nhưng không thành công vì không có sự đồng ý của Đà Nẵng. Khi “bắt tay nhau”, chúng tôi thống nhất định vị di tích trên bản đồ quốc gia, lấy đó làm cơ sở xin công nhận Hải Vân Quan là Di tích quốc gia.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo ông Huỳnh Hùng, Hải Vân Quan sẽ được quản lý, bảo vệ, bảo tồn theo Luật Di sản. “Chúng tôi (Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế) sẽ cùng phối hợp xây dựng bộ tiêu chí quản lý Hải Vân Quan. Tổ chức, đơn vị, cá nhân nào đáp ứng được đầy đủ các điều khoản của bộ tiêu chí này sẽ được lụa chọn tổ chức các hoạt động bán vé tham quan, thuyết minh tại khu di tích. Tiền thu được sẽ trích lại phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu di tích”. |