Bắt trẻ ăn hết thức ăn trong bát là nguyên tắc kỷ luật được biện minh bằng vô vàn lý do như để đứa trẻ học cách tôn trọng đồ ăn; tránh lãng phí thức ăn; tập thói quen không lấy quá nhiều trên mức cần thiết hay vì sợ con trẻ lười ăn nên sẽ không đủ chất...
“Con phải ăn hết đồ ăn rồi mới được đứng lên”. Câu nói này có lẽ rất quen thuộc với chúng ta. Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ và ông bà vẫn thiết lập nguyên tắc yêu cầu đứa trẻ chỉ được rời bàn ăn sau khi đã ăn hết những gì đã có trong bát. Nguyên tắc kỷ luật đó được biện minh bằng vô vàn lý do như để đứa trẻ học cách tôn trọng đồ ăn; tránh lãng phí thức ăn; tập thói quen không lấy quá nhiều trên mức cần thiết hay vì sợ con trẻ lười ăn nên sẽ không đủ chất...
Hoàn cảnh khan hiếm thực phẩm những năm đầu thế kỉ 20 ở phương Tây đã tạo nên triết lý "không lãng phí, không muốn". Sau đó, nhiều bà mẹ đã viện dẫn nguyên tắc này như là cách duy nhất để giúp trẻ bổ sung vitamin từ rau xanh.
Nhưng thực sự là chúng ta đang gắn việc ăn uống lành mạnh của trẻ với những vấn đề đạo đức quá mức cần thiết. Việc trẻ em bỏ thừa thức ăn được coi là không tôn trọng đồ ăn, không tôn trọng công sức của cha mẹ đã vất vả kiếm tiền để mua thức ăn. Điều đó không tốt chút nào.
Tại sao việc đứa trẻ dừng ăn không được hiểu một cách đơn giản hơn là do chúng đã no rồi. Vấn đề nguy hiểm hơn trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay là những đứa trẻ đang phải ăn hết bát cơm đầy ú hụ mà chúng không hề lấy. Chúng phải ăn hết chỉ vì người lớn muốn thế.
Nhưng có thực sự cần thiết phải làm điều đó hay không ? Chúng ta có đang tôn trọng quá mức suy nghĩ của mình mà bỏ qua những phản ứng sinh học rất cơ bản của con trẻ hay không? Thực tế, cũng giống như người lớn, trẻ em sẽ ăn nhiều hơn khi đói bụng, khi có thức ăn hợp khẩu vị và sẽ ăn ít đi khi gặp thực phẩm chúng không thích hoặc đơn giản vì chúng nằm dài cả ngày trong nhà nên chẳng tiêu thụ mấy calo cả.
Mặc dù mục đích yêu cầu trẻ ăn hết thức ăn có thể bắt nguồn từ ý định tốt, nhưng nó thực sự gây ra nhiều tác hại hơn ta tưởng. Ép trẻ ăn khi chúng không muốn có thể khiến trẻ bắt đầu bỏ qua các dấu hiệu tự nhiên của cơ thể về cảm giác đói và no. Tác hại khôn lường từ điều đó là trẻ sẽ không học cách ngừng ăn khi cảm thấy no. Thay vào đó, chúng học cách ngừng ăn chỉ khi hết thức ăn. Điều này thường dẫn đến tình trạng ăn uống vô độ, một yếu tố chính góp phần gây béo phì ở trẻ em và kéo theo một loạt các vấn đề sức khỏe khác. Hơn nữa, trẻ em có thể có cảm giác chán ghét bữa ăn và sẽ từ bỏ cơ hội học hỏi kinh nghiệm lựa chọn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe từ chính những bữa ăn gia đình.
Bên cạnh đó, việc bắt trẻ ăn hết những thứ không phải do chúng lựa chọn sẽ khiến trẻ không cảm thấy mình có quyền đối với những thứ mà mình sẽ ăn vào bụng. Điều này có thể tạo ra các trận chiến vào giờ ăn tối, dọa nạt kèm theo hứa hẹn những phần thưởng. Thật tệ khi đứa trẻ ăn hết chỉ vì sẽ được chơi điện thoại sau đó.
Học ăn, học nói, học gói, học mở. Dạy con cách ăn uống lành mạnh cũng là một điều quan trọng không kém bên cạnh những thứ khác. Bằng cách đặt nền móng ngay từ khi còn nhỏ, con bạn sẽ có thể tự thiết lập chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho mình trong tương lai. Một số mẹo nhỏ dưới đây có thể được sử dụng để khiến trẻ có thể chủ động lựa chọn và ăn hết những gì chúng thích.
1. Đảm bảo có ít nhất một món ăn trong thực đơn mà con bạn sẽ thích ăn
Dù có bổ đến mấy, rất ít trẻ có thể vui vẻ ăn hết những thứ không hợp khẩu vị. Thực đơn hàng ngày cần cân bằng như khuyến cáo của các bác sĩ dinh dưỡng, nhưng đừng quên trẻ (hay người lớn cũng vậy) cần có những món ăn hợp khẩu vị trong bữa ăn.
2. Sử dụng bát, đĩa nhỏ hơn
Nếu bạn muốn trẻ ăn hết thức ăn trong bát, đơn giản hơn là chọn cho trẻ bát ăn nhỏ hơn. Với trẻ nhỏ, bát ăn có cỡ bằng một nửa bát ăn thông thường là một giải pháp phù hợp. Không nên nghĩ vì người lớn ăn được một miếng cá bằng hai đốt ngón tay nên trẻ em cũng cần ăn như vậy. Những phần ăn nhỏ hơn sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn và cũng dễ để thử những món mới hơn.
3. Hãy để con bạn tự phục vụ
Cho phép trẻ lựa chọn khẩu phần ăn có thể giúp trẻ tiếp cận việc ăn uống một cách lành mạnh. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi trẻ tự chọn khẩu phần ăn, chúng sẽ ít có khả năng ăn quá mức. Điều đó là do chúng có thể quyết định ăn bao nhiêu bằng cách xem mình còn đói hay không. Tuyệt đối tránh việc gắp đầy thức ăn vào bát và bắt trẻ ăn hết với những lý do cao siêu. Điều đó sẽ biến những bữa ăn gia đình vui vẻ thành những cuộc tra tấn cả về tâm lý và thể xác không hơn không kém. Trong bữa ăn, áp lực phải ăn mọi thứ có thể khiến trẻ căng thẳng, làm suy yếu đi khoảng thời gian thư thái mà cả gia đình có thể tận hưởng cùng nhau. Ăn uống lành mạnh không chỉ là về những gì có trong bát mà còn là về cách trẻ tiếp cận và cảm nhận về thức ăn.
4. Cho trẻ em lựa chọn thực đơn ăn uống và tham gia nấu ăn
Một cách khác để khuyến khích sự độc lập của trẻ là để chúng “tự chọn” những gì chúng sẽ ăn cho bữa tối từ một loạt thực đơn lành mạnh mà bạn đã chọn trước. Ví dụ, con bạn có thể chọn loại rau nào chúng thích từ danh sách các món ăn. Bên cạnh đó, hãy cho con bạn tham gia chuẩn bị bữa ăn nhiều hơn. Bằng cách giao cho con bạn những công việc phù hợp với lứa tuổi như rửa rau hoặc chọn thực phẩm, chúng sẽ có cơ hội trải nghiệm những lựa chọn ăn uống lành mạnh.
Đối với người lớn, ăn hết những gì có trên đĩa là một thói quen tốt mặc dù điều đó giờ đây chủ yếu để tránh lãng phí đồ ăn do người ta lấy thức ăn vô tội vạ ở những nhà hàng buffet. Nhưng lặp lại điều đó với con trẻ thì thật sự rất có hại. Hãy dành thời gian dạy con cách làm chủ ăn uống dựa trên những tín hiệu từ cơ thể. Đã đến lúc dừng lại việc áp đặt nguyên tắc “Ăn hết những gì có trong bát”. Khi đứa trẻ học được cách ăn uống lành mạnh, tự nó sẽ lấy đủ và ăn hết những gì có trong bát.