Ván cược của bà Theresa May trong việc kêu gọi bầu cử sớm dường như đã gây tác dụng ngược trong ngày 9/6 khi đảng Bảo thủ của bà đang đứng trước nguy cơ mất đa số ghế ở Quốc hội, trong khi lời kêu gọi bà từ chức xuất hiện cả trong các đảng đối lập và chính đảng cầm quyền của bà.
Bà Theresa May đang chịu sức ép phải rời khỏi vị trí Thủ tướng và lãnh đạo đảng Bảo thủ. (Nguồn: Getty).
Kết quả bầu cử Anh được cho là sẽ gây nên một khoảng thời gian bất ổn chính trị mới và có thể đẩy các vòng đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit, dự kiến diễn ra vào 19/6 tới - vào chỗ hỗn loạn. Cùng ngày, đồng Bảng Anh đã giảm 2 cent so với đồng USD chỉ trong vài giây sau khi kết quả bầu cử được thông báo.
Trong chiều 9/6, khi chỉ còn 25 trong tổng số 650 ghế chờ được tuyên bố, thì kết quả bầu cử phần lớn đã được dự báo là đảng Bảo thủ sẽ giành 314 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện, tức giảm từ mức 330 ghế trước đây. Công đảng được dự đoán sẽ giành 266 ghế, tăng từ mức 229 ghế.
Nhiều người cho rằng đảng Bảo thủ có thể giành được hơn 314 ghế trong Hạ viện nếu như có kết quả cuối cùng, nhưng thực tế khó tránh khỏi là đảng này vẫn không thể giành đủ số ghế để tạo nên nhóm đa số.
Trong bối cảnh đó, người ta đã chuẩn bị sẵn tinh thần để chứng kiến một chính phủ liên minh ra đời. Có điều, sự việc này rất trớ trêu khi xảy ra trong một cuộc bầu cử mà chính Thủ tướng May kêu gọi với mục đích tạo nên một “chính phủ ổn định và mạnh mẽ”, và giờ lại gây nên một khoảng thời gian bất định khác.
Kết quả này cũng không khác gì một trái đắng đối với những người từng cho rằng: Lãnh đạo Công đảng, Jeremy Corbyn không phù hợp với vai trò dẫn dắt nước Anh. Bất chấp điều đó, Công đảng vẫn trỗi dậy mạnh mẽ trong nhiều tuần cuối trước bầu cử. Họ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri trẻ tuổi.
Trong ngày 9/6, sức ép đối với bà Theresa May - người đã kêu gọi bầu cử sớm với hy vọng sẽ làm tăng số ghế trong Quốc hội và củng cố sức mạnh của nước Anh trong các vòng đàm phán về Brexit với EU - đã gia tăng nhanh chóng.
“Đây là khoảnh khắc tồi tệ với đảng Bảo thủ, và chúng tôi cần phải kiểm điểm lại” - nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ Anh, Anna Soubry, nói - “Và lãnh đạo của chúng tôi cũng cần phải kiểm điểm lại”.
Trước đó, trong lúc đang đi bỏ phiếu để giành ghế của mình ở khu vực Maidenhead, miền Nam nước Anh, bà May có vẻ ngoài khá căng thẳng và không hề đề cập tới kế hoạch của bà sau bầu cử.
“Đất nước cần có một khoảng thời gian ổn định và dù kết quả có ra sao đi chăng nữa thì đảng Bảo thủ vẫn sẽ cam kết sẽ thực hiện đúng trọng trách trong việc mang tới sự ổn định đó, để tất cả chúng ta cùng tiến lên phía trước” - bà May tuyên bố.
Trong khi đó, nhiều người đã dự đoán về khả năng bà May phải ra đi sau kỳ bầu cử đầy cay đắng này.
Vị cựu Bộ trưởng Tài chính thuộc đảng Bảo thủ, ông George Osborne, cho hay kết quả bầu cử này là “thảm họa”.
“Rõ ràng là nếu bà ấy có một kết quả tồi tệ hơn là 2 năm trước và gần như không thể hình thành một chính phủ, thì tôi cho rằng bà ấy vẫn sẽ duy trì được vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ” - ông Osborne nói.
Ngược lại, lãnh đạo Công đảng Corbyn nói rằng kết quả bầu cử hiện tại cho thấy “chính trị đã thay đổi” và cử tri Anh đã từ bỏ các biện pháp khắc khổ của đảng Bảo thủ. Phát biểu sau khi đắc cử lại chiếc ghế đại diện của mình tại London, ông Corbyn nói rằng bà May nên “ra đi… và dọn đường cho một chính phủ thực sự là đại diện cho tất cả người dân của đất nước này”.
Kết quả bầu cử cũng là tin xấu đối với đảng Quốc gia Scotland (SNP), bên đã mất 20 trong tổng số 54 ghế họ từng giữ. Kết quả này càng gây khó cho đảng SNP trong việc thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý lớn đòi độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh (UK).
Bà May từng hy vọng rằng kỳ bầu cử này sẽ tập trung vào vấn đề Brexit, nhưng điều đó đã không xảy ra, bởi cả đảng Bảo thủ và Công đảng đều nói rằng họ sẽ tôn trọng nguyện vọng của cử tri và sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình này. Bà May cũng đến với cuộc bầu cử lần này trong khi đang bị chỉ trích vì thực hiện chiến dịch tranh cử ảm đạm và có kế hoạch buộc người lớn tuổi ở Anh chi thêm tiền chăm sóc y tế.
Rồi sau đó, hàng loạt vụ tấn công khủng bố khiến 30 người thiệt mạng ở Manchester và London xảy ra đã buộc chiến dịch tranh cử phải tạm ngừng và làm trỗi dậy làn sóng quan ngại về hiệu quả công tác chống khủng bố của chính phủ Anh. Ông Corbyn từng lên án đảng Bảo thủ đã làm hại an ninh nước Anh vì cắt giảm số lượng cảnh sát tuần tra trên các tuyến phố.
Thời gian qua, 8 người thiệt mạng gần cầu London khi 3 kẻ tấn công bằng xe tải con và đâm chém khách bộ hành ở khu vực đông dân. 2 tuần trước đó, một kẻ đánh bom tự sát khiến 22 người thiệt mạng sau buổi diễn của ca sỹ Ariana Grande ở Manchester. Các diễn biến trên đã chuyển hướng quan tâm dư luận Anh sang vấn đề an ninh quốc gia, thay vì Brexit - điều hết sức bất lợi cho bà May.