Hai đối thủ sừng sỏ trong cuộc đua giành chức Tổng thống Pháp, ứng viên ôn hòa Emmanuel Macron và ứng viên cực hữu Marine Le Pen, có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trong lúc cả hai bên đang cố gắng tranh thủ những lá phiếu ủng hộ cuối cùng của cử tri Pháp trước vòng bầu cử cuối cùng ngày 7/5 tới.
Cuộc đua song mã giữa hai ứng viên Macron và Le Pen tăng nhiệt trước vòng bỏ phiếu cuối cùng. (Nguồn: AFP).
Các lá phiếu thăm dò mới đây nhất vẫn cho thấy ông Macron, 39 tuổi, thuộc đảng Tiến bước vẫn đang dẫn trước khoảng 20 điểm so với đối thủ Marine Le Pen của đảng Mặt trận dân tộc, chỉ 4 ngày trước khi diễn ra vòng bầu cử cuối cùng được đánh giá là kỳ bầu cử quan trọng nhất tại Pháp trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Cử tri Pháp hiện đang phải lựa chọn giữa ông Macron, một cựu giám đốc ngân hàng có tư tưởng ủng hộ châu Âu với chủ trương cắt giảm các quy định nhà nước trong lĩnh vực kinh tế và bảo vệ quyền lợi của người lao động và bà Le Pen, ứng viên có quan điểm đậm chất “hoài nghi châu Âu” người muốn rút nước Pháp khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và áp đặt những chính sách mạnh tay đối với người nhập cư.
Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên tổ chức hôm 23/4 vừa qua, ông Macron chỉ dẫn trước bà Le Pen có 3 điểm, nhưng được dự kiến sẽ nhận được số phiếu lớn đến từ những người ủng hộ hai chính đảng là đảng Cộng hòa và đảng Xã hội, các đảng có ứng viên đã bị loại sau vòng đầu.
Dù bà Le Pen đang bị dẫn trước một khoảng cách rất xa so với ông Macron, nhưng chiến dịch tranh cử 2017 ở Pháp được xem là đầy bất ngờ, trong lúc mà các cuộc tranh luận giữa hai ứng viên ngày càng trở nên gay gắt hơn và vị nữ chính trị gia đầy kinh nghiệm đến từ đảng Mặt trận Dân tộc đã chứng minh rằng bà hoàn toàn có đủ khả năng để bắt kịp đối thủ bằng chiến lược quan hệ công chúng thông minh.
Trong khi đó, ông Macron đã cảnh báo rằng ông sẽ không tung ra đòn quyết định trong cuộc tranh luận trực tiếp trên tuyền hình tổ chức vào tối 3/5 (giờ Pháp) đối với đối thủ mà ông cho là có các chính sách gây nguy hiểm cho nước Pháp.
“Tôi sẽ không tung ra các đòn công kích dữ dội. Tôi sẽ không sử dụng những lời nói sáo rỗng hay chỉ trích. Tôi sẽ đối đầu trực diện để chứng tỏ rằng các ý tưởng của bà ấy là những giải pháp thất bại” - ông Macron nói trên kênh truyền hình BFM của Pháp.
Về phần mình, bà Le Pen, người đã mô tả ông Macron như một ứng viên luôn che giấu về vấn đề tài chính của mình, đã nói rằng: “Tôi sẽ bảo vệ những ý tưởng của mình. Ông ấy sẽ bảo vệ viễn cảnh mà ông ấy đặt ra”.
“Chương trình nghị sự của ông ấy dường như có vẻ rất mơ hồ, và trên thực tế là sự tiếp diễn của chính phủ Tổng thống Francois Hollande” - bà Le Pen nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hôm 3/5.
Vòng tranh luận kịch tính
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, bà Le Pen tiếp tục tái khẳng định các chính sách mà bà sẽ đưa ra trong trường hợp giành chiến thắng, trong đó sẽ rút nước Pháp khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu và hy vọng rằng người dân Pháp sẽ có đồng tiền riêng của đất nước trong túi của họ chỉ trong vòng 2 năm.
Lá phiếu thăm dò mà kênh BFM TV và L’Express công bố trong hôm 2/5 vừa qua cho thấy ông Macron có khả năng sẽ giành được khoảng 59% số phiếu bầu của cử tri trong cuộc bỏ phiếu sắp tới, trong khi bà Le Pen chỉ giành được khoảng 41%. Các hãng thăm dò khác cũng cho ra kết quả gần như tương tự.
Giới phân tích chính trị Pháp cho rằng cuộc tranh luận trực tiếp tổ chức vào tối 3/5 vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định tới kết quả bầu cử, đặc biệt là đối với những cử tri có khả năng sẽ không đi bỏ phiếu, rất nhiều trong số này đã bỏ phiếu cho ứng viên cánh tả người đã về thứ tư trong vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm 23/4 vừa qua.
“Điều mà ông Macron cần làm bây giờ là thuyết phục những người không bỏ phiếu cho ông ta trong vòng đầu và những người không đồng ý với chính sách mà ông đưa ra” - AFP dẫn lời một vị Bộ trưởng chính phủ Pháp giấu tên, nhận định.
Bởi vậy, cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trước vòng bỏ phiếu sắp tới được cho là một sự kiện “cần phải quan sát” trên khắp nước Pháp, khi mà cả hai ứng viên sẽ tung ra những chiêu bài cuối cùng của mình để thu hút thêm lá phiếu ủng hộ.
Buổi tranh luận này sẽ được truyền hình trực tiếp trên hai kênh TF1 và France 2. Cả hai ứng viên dự kiến bảo vệ quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về chính sách, từ xã hội tới quan hệ của nước Pháp với phần còn lại của châu Âu cũng như vấn đề toàn cầu hóa.
Bất ngờ tới từ cử tri Pháp
Theo giới truyền thông quốc tế, dù cho ông Macron, người đang nhận được sự ủng hộ của cả hai chính đảng Pháp, đang dẫn trước khá xa so với bà Le Pen, nhưng đánh giá chung là cả hai ứng viên đều không thành công. Điều này thể hiện rõ trong đợt tuần hành do các công đoàn lớn của Pháp tổ chức tại nhiều thành phố lớn như Paris, Lille, Marseille hôm 1/5 vừa qua.
Đây vốn là lực lượng phản đối ứng viên cực hữu Le Pen, nhưng một số công đoàn lớn cũng chỉ trích cả các chính sách cải cách thị trường lao động của ông Macron. Điều này khiến các công đoàn bị chia rẽ trong việc lựa chọn ủng hộ hay không ủng hộ ông Macron.
Thêm vào đó, theo các lá phiếu thăm dò mới nhất, phần lớn những cử tri từng ủng hộ ứng viên Jean-Luc Melenchon, người về thứ tư trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, sẽ bỏ phiếu trắng hoặc làm hỏng lá phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ hai.
Theo đó, khoảng 450.000 người ủng hộ ông Melenchon đã được yêu cầu trả lời liệu họ sẽ bỏ phiếu trắng hay ủng hộ ông Macron trong vòng bỏ phiếu tới. Kết quả thu được là, hơn 234.000 người đã trả lời, trong đó 87.818 người (36,1%) cho hay họ sẽ làm hỏng lá phiếu, 86.682 người (34,8%) nói sẽ ủng hộ ông Macron và số còn lại nói sẽ không tham gia bỏ phiếu.
Các con số trên cho thấy có tổng cộng 65% số cử tri từng ủng hộ ông Melenchon sẽ không bỏ phiếu cho ông Macron.
Thêm vào đó, giới quan sát nhận định rằng, cử tri Pháp dường như không có lòng tin vào ông Macron, điều này đồng nghĩa với việc bà Le Pen sẽ có cơ hội bứt phá tốt hơn. Trong trường hợp cử tri không đi bầu cử, như những người từng ủng hộ ông Melenchon nêu trên, bà Le Pen đương nhiên là người sẽ có lợi thế.
Trên thực tế thì ông Macron vẫn bị coi là một chính trị gia thiếu kinh nghiệm, điều này càng được nhấn mạnh hơn trong những ngày gần đây sau khi một số hãng tin uy tín của châu Âu đã vạch ra những lỗ hổng trong chính sách của ông. Tờ Guardian của Anh trong bài viết đăng tải hôm 1/5 vừa qua từng mô tả ông Macron là người rất giỏi trong việc tạo hình ảnh trước công chúng, nhưng lại thiếu bản chất thực sự.
Ông Macron cũng chưa tạo được niềm tin sẽ làm cho nước Pháp thay đổi bởi từng là một cố vấn cho Tổng thống Pháp sắp hết nhiệm kỳ Francois Hollande. Chính sách đáng chú ý nhất của ông là quan điểm ủng hộ EU, tuy nhiên lại chỉ dừng ở mức ca ngợi chứ không có động thái nào cụ thể.
Về phần mình, dù bị cả hai chính đảng ở Pháp tuyên bố tẩy chay, trong khi đang bị dẫn trước, nhưng bà Le Pen không phải không có khả năng bứt phá. Vị chính trị gia đầy kinh nghiệm với tư tưởng “nước Pháp trên hết” giống Tổng thống Mỹ Donald Trump này đã đưa ra một thông điệp cùng các chính sách hết sức rõ ràng.
Bà Le Pen bị tố đạo văn Ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen đã bị cáo buộc “đạo văn” của người đã thất bại trong vòng bỏ phiếu đầu hôm 23/4 vừa qua, ông Francois Fillon, trong một bài diễn văn mà bà đọc hôm 1/5. Nhiều đoạn trong bài phát biểu của bà tại Villepinte, phía Bắc thủ đô Paris, dường như giống nguyên văn bài phát biểu mà ông Fillion đưa ra hôm 15/4. Giới chức của đảng Mặt trận Dân tộc sau đó nói bà Le Pen “đồng tình” với ông Fillion và sự trùng hợp này chứng tỏ bà “không phải người theo bè phái”. |