Văn hóa

Báu vật bên trong ngôi đình cổ

Đình Minh 22/02/2024 07:10

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đình làng Đức Giáo ở thôn Đức Tiến, xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vẫn giữ được 2 thần phả và 11 sắc phong thời Nguyễn.

anh1baitren.jpg
Đình Đức Giáo ở xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Đình Minh.

Được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2000, đình làng Đức Giáo là nơi thờ Cao Sơn tôn thần; thờ Thành hoàng làng Phạm Ngọc Độc, Lê Tiến Bình, Tào Thuận Hóa, thờ Thánh Bưng (Lê Phụng Hiểu), nghè thờ Nguyệt Nga công chúa. Trước kia, đình làng có kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm ngôi tiền đình nằm ngang 3 gian, 2 chái rộng và ngôi chính tẩm (hậu cung) 3 gian nằm dọc.

Bài trí thờ trong di tích, gồm gian giữa có hương án thời Lê được sơn son thếp vàng, chạm trổ Tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), Tứ quý (Xuân, Hạ, Thu, Đông); phía trên hương án có bức đại tự đề: “Thánh cung vạn tuế” được chạm khắc, sơn son thếp vàng. Gian bên tả bài trí thờ các vị quan tước có công với làng, đứng đầu các dòng họ Phạm, Lê, Nguyễn, Tào, Ngô, Trần, Đỗ, Trịnh, Đào. Gian bên hữu, bài trí thờ các vị có công với làng như Lê Văn Khanh (1867 - 1948), là người có công tu bổ, trùng tu đình làng năm 1944...

Tiếp theo đó, ngôi chính tẩm (hậu cung) là nơi thờ các vị có công lớn với làng và được Nhà nước phong kiến phong làm thần của làng là Cao Sơn đại vương, Lê Phụng Hiểu và Nguyệt Nga công chúa. Ông Lê Văn Dự - Bí thư Chi bộ thôn Đức Tiến cho biết: Để tưởng nhớ công lao của các vị thần, người dân lấy ngày 8/2 âm lịch hàng năm làm ngày diễn ra lễ hội kỳ phúc.

Theo ông Dự, hiện tại, ngôi đình còn lưu giữ được 2 thần phả và 11 đạo sắc phong thời Nguyễn, phong tặng cho các vị thần và cho làng Đức Giáo xưa. Trải qua nhiều thế hệ, các sắc phong được người dân bảo tồn khá tốt, hầu hết còn nguyên vẹn, mặt sắc phong còn ánh lên màu vàng tươi, nét chữ vẫn còn rõ, các hoa văn trên mặt sắc phong còn ngời sáng màu bạc. Đặc biệt, triện vua ban vẫn đang còn sắc nét, rõ màu mực.

Ông Lê Đức Thắng - Trưởng thôn Đức Tiến cho biết, người dân trong thôn luôn coi các sắc phong là báu vật nên gìn giữ cẩn thận qua hàng trăm năm. Để giữ cho sắc phong không bị hư hỏng, Ban quản lý di tích hạn chế việc mở sắc phong, chỉ có những dịp trọng đại như tế đình thì mới được mở ra. Sau đó, sắc phong được cuộn cất trong hộp gỗ sơn son thếp vàng để hạn chế côn trùng gặm nhấm và ảnh hưởng của thời tiết.

anh2baitren.jpg
11 sắc phong tại ngôi đình Đức Giáo. Ảnh: Đình Minh.

“11 sắc phong vua ban là tài liệu tâm linh vô giá, là niềm tự hào của nhân dân làng Đức Tiến nói riêng và của cả xã Hoằng Hợp nói chung. Trải qua 2 cuộc kháng chiến và sự tàn phá của thời gian, bà con nơi đây vẫn tìm mọi cách để bảo quản sắc phong, vì thế nên hiện nay các nét chữ vẫn giữ được cơ bản” - ông Thắng bộc bạch. Vào năm 2014, trước sự xuống cấp của ngôi đình, người dân địa phương và con em xa quê đã tổ chức đóng góp để trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục trên nền đất cũ của ngôi đình.

Ông Thắng cho biết, hiện tại, người dân trong thôn mong muốn được Nhà nước hỗ trợ tôn tạo lại khuôn viên, 4 cây cột cổng, sửa lại giữa chính tẩm và nhà ngoài hiện đã xuống cấp, nứt toác bờ tường ở nhiều vị trí. Đối với 11 sắc phong vua ban, người dân đề nghị được quản lý, bảo vệ với chế độ nghiêm ngặt hơn với sự vào cuộc của chính quyền, ban, ngành văn hóa.

Ông Lê Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp cho biết, đình làng Đức Giáo mang nhiều giá trị quý báu, là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương, là nơi dân làng gửi gắm những mong ước của mình vào vị thần phò trợ cho làng. Theo ông Phương, hiện đình làng vẫn giữ được những nét rêu phong, cổ kính gồm: Tiền đình 3 gian và 1 hậu cung, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa truyền thống trong làng, trong xã.

Với sự xuống cấp ở nhiều hạng mục trong ngôi đình, ông Phương cho biết, do nguồn lực của địa phương có hạn nên vẫn rất cần sự đóng góp bằng nguồn xã hội hóa của người dân để tu bổ những vị trí cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báu vật bên trong ngôi đình cổ