Văn hóa

“Báu vật nhân văn sống” ngày nay

Minh Quân 07/01/2024 12:28

Nghệ nhân là chủ thể quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hiện cả nước có 1.881 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú. Đây chính là những chủ thể quan trọng gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Vì chính họ là những “báu vật nhân văn sống”.

anh-cv.jpg
Nghệ nhân là chủ thể quan trọng trong việc bảo tồn các di sản văn hóa. Ảnh: Quang Vinh.

Trong phạm vi cả nước, tới nay đã có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú. Đây chính là những chủ thể quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong đời sống hôm nay.

anh-1.jpg
Truyền dạy Hát Xoan ở Phú Thọ. Nguồn: PNVN.

Ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền

Việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án hay dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người. Các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân - chủ thể di sản văn hóa được vinh danh đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Dẫn chứng từ câu chuyện thực tế, GS.TS Nguyễn Thị Hiền - Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, năm 2009, khi Hát Xoan được ghi danh trong Danh sách khẩn cấp thì mục tiêu đặt ra là phải phục hồi các làn điệu Hát Xoan cổ trong thời gian ngắn nhất khi các nghệ nhân là những người tích cực và còn có khả năng đảm đương công việc này. Mục đích ghi danh nhằm triển khai kế hoạch hành động bảo vệ các biện pháp và hoạt động cụ thể để giải quyết thỏa đáng các mối đe dọa được xác định đối với Hát Xoan như tăng cường truyền dạy, tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ kế cận và dần họ có khả năng truyền dạy trong cộng đồng, mở rộng phạm vi trao truyền di sản trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về di sản trong đời sống văn hóa, xã hội.

Hay như câu chuyện Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, câu chuyện hậu vinh danh ở cấp độ địa phương, mục đích của sự ghi danh đã giúp cộng đồng trong các tầng lớp xã hội hiểu biết về giá trị và ý nghĩa của việc tôn thờ thánh Mẫu, nâng cao nhận thức xã hội về nghi lễ lên đồng, giảm thiểu sự cạnh tranh giữa các thanh đồng, giữa các thủ nhang ở các điện thờ, các phủ, đảm bảo sự hài hòa giữa các cá nhân, bản hội, cộng đồng địa phương.

anh-2.jpg
Nghệ nhân Hồ Văn Dinh dạy cách đánh trống, chiêng cho trẻ em xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Nguồn: VOV.

Đổi mới tư duy trong đãi ngộ nghệ nhân

Nhân Ngày Di sản Việt Nam năm 2023 mới đây, nhằm ghi nhận đóng góp của những nghệ nhân dân gian, hơn 70 cá nhân có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc đã được Hội Di sản văn hóa Việt Nam tôn vinh, trao kỷ niệm chương, bằng khen. Ông Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho hay, trong dịp này, hai thầy trò cùng được vinh danh có đóng góp cho thực hành, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Thủ nhang Hoàng Minh Quân (Đền Diên Quang Hoằng Pháp, tỉnh Hưng yên) và Thủ nhang Nguyễn Thị Bẩy (Bảo Ngọc Linh Thủy Điện - Cẩm Phả, Quảng Ninh).

Có một sự thật đáng buồn là dù các di sản văn hóa dân gian được tôn vinh ở các cấp nhưng những “báu vật nhân văn sống” lại chưa có sự quan tâm với những cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ. Thiệt thòi đầu tiên phải kể đến chính là sự chưa được quan tâm đúng mức của các ngành liên quan đối với việc vinh danh họ qua việc xét duyệt để trao các danh hiệu tương xứng. Đơn cử như trường hợp của các nghệ nhân hóa thân làm Mẻ Cốc, các nàng tiên, nhân vật phụ họa - linh hồn của Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (Quảng Hòa, Cao Bằng) - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia diễn ra ngày 22 - 23/3 âm lịch hằng năm. Mẹ trăng cũng như các nàng tiên, các nhân vật phụ họa đều phải nhớ và ghi chép lại tỉ mỉ từng lời, bài hát lượn của từng nhân vật, góp phần tích cực cùng cán bộ nghiên cứu văn hóa tỉnh phục dựng Lễ hội Nàng Hai theo nguyên gốc và được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. Đến nay, Lễ hội Nàng Hai được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hơn 5 năm nhưng các nghệ nhân trực tiếp đã và đang tham gia gìn giữ, bảo tồn lễ hội chưa ai được phong nghệ nhân.

Nghệ nhân dân gian là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao về di sản văn hóa phi vật thể, được coi là những “báu vật nhân văn sống”. Từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về việc hỗ trợ đối với những Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn. Đây là chính sách nhân văn, góp phần tiếp lửa cho nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống. Tuy vậy, trong gần 2.000 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong 10 năm qua, số người được hưởng chế độ hỗ trợ còn hạn chế. Dù nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Từ chủ trương, chính sách đến việc áp dụng trong thực tế, còn nhiều bất cập cần phải khắc phục.

GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam chia sẻ một câu chuyện, năm 2022 ông nhận được đề nghị từ PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, về việc xem xét công nhận danh hiệu cho 4 nghệ nhân múa Ải Lao thuộc phường Phúc Lợi, quận Long Biên (Hà Nội). Trong đó có cụ Nguyện Văn Lũy (sinh năm 1922, đúng 100 tuổi), là người nghệ nhân nắm bắt và truyền dạy những kỹ năng của điệu múa Ải Lao, một trình diễn dân gian nổi tiếng trong hội Gióng Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội).

Về nguyên tắc, đối với việc phong tặng một nghệ nhân dân gian, theo quy định của Hội VNDG, sau khi phát hiện ra nghệ nhân nào xứng đáng, phải được một chi hội đứng ra giới thiệu. Trường hợp các nghệ nhân kể trên, Hội VNDG đã đề nghị chi hội Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đứng ra làm các thủ tục cần thiết, và không lâu sau đó, nghệ nhân đã được phong tặng đặc cách. Bởi vì, về thủ tục, mỗi một năm, Hội VNDG chỉ có hai lần xét phong tặng nghệ nhân vào các đợt họp Ban chấp hành giữa năm và cuối năm. Tuy nhiên, gặp những trường hợp như kể trên, Hội sẵn sàng tiến hành các thủ tục để công nhận và phong tặng cho họ, đề phòng đợi đến lúc Ban chấp hành họp thì nghệ nhân đã qua đời. Khi đó, dù có truy tặng thì cũng đâu còn nhiều ý nghĩa.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, nhìn một cách tổng thể, việc hỗ trợ nghệ nhân hiện chưa tương xứng với vai trò của họ trong việc giữ gìn và phát huy di sản. Việc sửa đổi Nghị định, cải thiện chính sách là rất cần thiết. Có lẽ, đã tới lúc phải thay đổi tư duy chỉ hỗ trợ nghệ nhân có hoàn cảnh nghèo khó, hướng tới quan điểm đãi ngộ để tôn vinh tài năng của họ. Làm tốt điều này sẽ không chỉ tạo ra niềm tin, tâm huyết và cố gắng của nghệ nhân mà còn hình thành môi trường thuận lợi để nghệ nhân tỏa sáng tài năng của mình. Từ đó họ thực sự phát huy vai trò “báu vật nhân văn sống” trong giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc trong dòng chảy cuộc sống đương đại.

Theo tinh thần Nghị định 109/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với những Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn: Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú khó khăn có thể được hưởng trợ cấp theo 3 mức, gồm 1.000.000 đồng/tháng, 850.000 đồng/tháng và 700.000 đồng/tháng. Nghệ nhân được hưởng mức hỗ trợ cao nhất là 1.000.000 đồng/tháng nếu thuộc hộ gia đình có mức thu nhập trung bình đầu người dưới 50% mức lương cơ sở (dưới 550.000 đồng/tháng), đồng thời có độ tuổi từ 55 trở lên, hoặc khuyết tật nặng, hoặc mắc bệnh nan y. Ngoài ra, các nghệ nhân được hỗ trợ tiền bảo hiểm y tế, mai táng phí...

anh-box-2.jpg

Theo GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ngoài những chính sách kịp thời đúng đắn thì việc chính quyền tạo điều kiện cho các nghệ nhân hay giúp giới thiệu họ với các tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp, doanhnhân, các mạnh thường quân… sẽ đem lại nhiều lợi ích cả vật chất lẫn tinh thần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Báu vật nhân văn sống” ngày nay