Du lịch Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm. Nắm bắt tâm lý của du khách, không ít đối tượng đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn về du lịch giá rẻ thông qua các chiêu trò hết sức tinh vi trên mạng xã hội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những hành vi này đã và đang làm phương hại đến hình ảnh của các doanh nghiệp du lịch hoạt động chân chính cũng như hình ảnh du lịch Việt.
Những chiêu lừa “giảm giá sâu”
Du lịch nội địa đang vào mùa cao điểm. Nắm bắt tâm lý ham của rẻ của người dân, nhiều đối tượng đã đưa ra những thủ đoạn tinh vi nhằm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của du khách. Nhiều người do không có kinh nghiệm và cũng một phần vì ham giá rẻ đã “sập bẫy”.
Thông tin từ phòng Văn hóa -Thông tin huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng một số du khách bị lừa đảo khi đặt tour, combo du lịch. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng tài khoản ảo trên mạng xã hội, tự xưng là nhân viên hoặc cộng tác viên của các công ty du lịch, hãng lữ hành hoặc khách sạn trên đảo Cô Tô rồi ra sức chào mời, giục khách chuyển tiền đặt phòng, đặt vé tàu trước với lý do đang vào mùa cao điểm, nếu không đặt nhanh sẽ “cháy hàng”... Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền chuyển khoản, các đối tượng này đã chặn mọi liên lạc với khách.
Đầu tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phối hợp với Thanh tra Sở Du lịch tỉnh truy tìm các đối tượng lừa bán phòng khách sạn giá rẻ cho du khách có nhu cầu đến Huế du lịch. Theo phản ánh của du khách, thông qua mạng xã hội, có một khách sạn thông báo, hệ thống của khách sạn này tại Thừa Thiên Huế đang có chương trình giảm sâu giá phòng trong dịp nghỉ lễ. Tin rằng được giảm giá phòng khách sạn, du khách đã liên hệ để đặt phòng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cọc, du khách điện thoại xác minh thì mới biết hệ thống của khách sạn này không có cơ sở lưu trú ở Huế.
Trên các nhóm mạng xã hội cũng đã xuất hiện những bài viết cảnh báo về tình trạng cho thuê biệt thự nguyên căn giá chỉ vài triệu đồng và kèm theo đó là những hình ảnh phòng nghỉ, view sang chảnh. Thế nhưng thực tế nhiều người đã “mắc bẫy” vì những pha quảng cáo du lịch giá rẻ này. Và chỉ khi họ thao tác chuyển tiền đặt cọc thì lúc đó đối tượng mới “hiện nguyên hình” là kẻ lừa đảo, bởi điện thoại chỉ sau tíc tắc đã “không liên lạc được”.
Trước thực trạng nhiều cạm bẫy du lịch giá rẻ lừa đảo du khách ngày một gia tăng, nhất là vào mùa cao điểm hiện nay, ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng Giám đốc AZA Travel khuyến cáo, khách hàng cần hết sức cảnh giác. Theo ông Đạt, mỗi dịp nghỉ lễ, nghỉ hè… nhiều người vẫn tìm kiếm thông tin các tour du lịch, vé máy bay giá rẻ giảm giá trên mạng. Đánh trúng tâm lý ham rẻ của du khách nên hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện vô vàn các combo, voucher du lịch với mức giá đầy hấp dẫn, khiến khách hàng lạc vào "ma trận", từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi.
Theo ông Dương Bá Hưng – Giám đốc Công ty Du lịch Topten, tình trạng các đối tượng lợi dụng nhu cầu du lịch gia tăng và đưa ra những tour du lịch giá rẻ để quảng cáo nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng diễn ra rất nhiều. Mặc dù tình trạng này đã được cảnh báo nhiều trên các kênh truyền thông nhưng nhiều khách hàng vẫn “sập bẫy”. “Tình trạng này đã làm ảnh hưởng rất xấu đến ngành du lịch Việt Nam trong thời kỳ công nghệ số. Bên cạnh đó ảnh hưởng lớn đến các công ty du lịch làm ăn chân chính. Rất mong Tổng cục Du lịch và đơn vị quản lý vào cuộc không để những con sâu làm rầu nồi canh” - ông Hưng nói.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Theo ông Dương Bá Hưng, mỗi khách hàng cần là người tiêu dùng thông thái, hết sức tỉnh táo khi mua tour du lịch, không ham của rẻ để tránh “sập bẫy” của kẻ xấu. “Khi chọn tour du lịch cần tìm hiểu thương hiệu của công ty như tìm hiểu về thời gian thành lập. Tham khảo ý kiến của người thân hoặc khách hàng có thể trực tiếp đến công ty tìm hiểu thông tin về giấy phép kinh doanh, tài khoản tên người đại diện công ty…” – ông Hưng khuyến cáo.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó, tăng mức tiền xử phạt hành chính đối với những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch mà có hành vi quảng cáo sai sự thật vì lợi nhuận thu được từ hoạt động quảng cáo là rất lớn.
Việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài chính, ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của du khách mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp… Trước thực trạng này, mới đây Bộ Công thương đã đưa ra khuyến cáo với người dân cần thận trọng và tìm hiểu kỹ thông tin về Công ty du lịch hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ trước khi quyết định đặt tour du lịch. Nên chọn các đơn vị có uy tín, được chứng nhận và có đầy đủ giấy tờ, giấy phép kinh doanh. Nếu có bất kỳ nghi ngờ hoặc phát hiện bất thường nào liên quan đến các hoạt động du lịch, cần thông báo cho cơ quan chức năng và không chuyển tiền cho bất kỳ ai trước khi xác định rõ nguồn gốc và độ tin cậy của đơn vị đó.
“Du lịch Việt Nam đang có sự phục hồi khá ấn tượng, đặc biệt đối với các gói sản phẩm kích cầu cho thị trường khách Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hướng khai thác này đang bị một số đối tượng lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi trái pháp luật này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý du khách, gây khó khăn cho các công ty lữ hành đang triển khai các sản phẩm tương tự, gây nhiễu loạn thị trường, tạo ra sự hoài nghi của du khách đối với những sản phẩm kích cầu thực sự, đồng thời tác động tiêu cực đến hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam” - Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam (VISTA).