Việt Nam là quốc gia nhập khẩu nguyên liệu rất lớn để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong 2 năm (2020, 2021) chịu sự tàn phá của dịch bệnh Covid-19, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp một lần nữa được đặt ra để đảm bảo phát triển bền vững và sự an toàn cho thị trường nhiều rủi ro này.
Đặc thù của ngành nông nghiệp ở nước ta là thường xuyên chịu ảnh hưởng rất lớn của thiên tai, dịch bệnh. Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thường xuyên chịu thiệt hại từ mưa lũ và hạn hán; trong khi toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng bất an với xâm nhập mặn và sạt lở bờ biển do hiện tượng nước biển dâng và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Ở khía cạnh xuất nhập khẩu, dù là quốc gia nông nghiệp nhưng nước ta cũng thường xuyên phải chi nguồn vốn khổng lồ để nhập khẩu nguyên liệu cho ngành nông nghiệp.
Theo Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay nước ta là nhà nhập khẩu ngô (bắp) lớn nhất Đông Nam Á và dự báo sẽ lọt vào tốp các quốc gia nhập khẩu ngô lớn thứ 5 toàn cầu trong giai đoạn gần nhất (2021-2025). Bên cạnh đó, chúng ta cũng sản xuất gạo gần như lớn nhất thế giới nhưng cũng thường xuyên phải nhập khẩu gạo từ các nước, cũng như nhập khẩu các nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất gạo.
Ngoài các lương thực, thực phẩm chủ lực, số tiền để chi trả nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu của ngành nông nghiệp trong những năm qua liên tục tăng, nhất là thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc, nguyên liệu thuốc trừ sâu và nguyên liệu phân bón các loại.
Mặc dù thường xuyên phải cân đối cung - cầu xuất nhập khẩu, đồng thời chịu các thiệt hại trực tiếp từ thiên tai, dịch bệnh nhưng nền kinh tế nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động trợ giúp mang tính thời điểm của các cá nhân, tổ chức. Thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh của ngành này chưa được bù đắp thông qua bảo hiểm nông nghiệp.
Khi thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra bất cập khi nhiều địa phương còn xem nhẹ vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, trong khi bảo hiểm ngư nghiệp, lâm nghiệp hầu như chưa có; bảo hiểm cây trồng, vật nuôi mới chỉ dừng ở khâu…thí điểm.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng thuận cao về việc cần thiết của việc xây dựng luật về bảo hiểm nông nghiệp trước những yêu cầu mới của thực tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong hai năm vừa qua.
Trên thực tế, dư địa để phát triển bảo hiểm nông nghiệp ở nước ta còn rất lớn. Việc tính toán chi phí bảo hiểm trong lĩnh vực này là rất khó nhưng không thể không làm. Nhất là, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bảo hiểm nông nghiệp chắc chắn sẽ mở ra hướng đi mới cho sự phát triển bền vững nền kinh tế, với nông nghiệp đóng vai trò bệ đỡ. Đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn cho cơ cấu toàn ngành nông nghiệp hiện nay ở nước ta.
Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng. Với dự luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang trình Quốc hội, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp được kỳ vọng sẽ được thảo luận, bổ sung hoàn chỉnh để đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của kinh tế nông nghiệp trong tương lai.