“Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất cảm biến khởi nghiệp, kinh doanh tại thành phố. Lãnh đạo thành phố cũng kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ TP HCM xây dựng đô thị thông minh thông qua sự phát triển của ngành công nghệ cao” - ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
TP Hồ Chí Minh hướng đến đô thị thông minh.
Ngày 28/9, tại TP HCM, đã tổ chức Diễn đàn Mems (Vi cơ điện tử) với chủ đề “Nắm bắt xu hướng, nuôi dưỡng sáng tạo”.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, vi cơ điện tử được xem là ngành công nghệ cao. Đóng góp của công nghệ cao đối với năng suất lao động xã hội được minh chứng thực tế bằng năng suất lao động xã hội của thành phố năm 2017 đạt 248 triệu đồng/người/năm, gấp 2,7 lần cả nước. Riêng tại khu công nghệ cao gấp 70 lần cả nước. Chính vì là ngành thời thượng hiện nay cho nên vi cơ điện tử được cả nước nói chung, TP HCM nói riêng đầu tư phát triển.
Ngoài ra, đây còn là một trong 8 trụ cột của Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu của chương trình này, thúc đẩy công nghiệp hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với tầm quan trọng trên, thời gian qua thành phố ký kết với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viettel, VNPT,… cùng các tổ chức quốc tế khác nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm vi cơ điện tử. Đặc biệt, đối với các dự án sản xuất vi mạch điện tử, mạch tích hợp, cảm biến được thành phố đưa vào chương trình kích cầu đầu tư với mức hỗ trợ lãi suất vay vốn cho mỗi dự án là 200 tỷ đồng.
Đánh giá cao những thành quả về vi cơ điện tử mà thành phố nỗ lực phát triển, song theo nhận định của các chuyên gia nước ngoài, thành phố nên tập trung phát triển đô thị thông minh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ cao. Công nghệ cao sẽ giúp thành phố kéo giảm thiệt hại về kinh tế - xã hội. Ông Kazuhiko Nakamura- chuyên gia khu công nghê cao cho hay: “Còn nhớ cơn mưa lớn vào tháng 9/2016, TP HCM bị thiệt hại 100 tỷ đồng. 100 tỷ đồng là thiệt hại được đo đếm bằng tiền, còn thiệt hại về sự lo lắng, mệt mỏi của người dân là không thể. Nếu như thành phố có hệ thống giám sát tức thời về nhiệt độ, vũ lượng mưa, khả năng ngập chắc chắn thiệt hại được kéo giảm. Đơn cử, với hệ thống giám sát thông minh trên có thể chỉ thiệt hại 1/2, thay vì 100 tỷ đồng”. Vị này cho biết thêm, ngoài hệ thống giám sát về dự báo thời tiết, thành phố có thể xây dựng hệ thống giám sát các địa điểm trông giữ xe để người dân không mất thời gian chạy ngược, chạy xuôi tìm bãi đậu.
Đồng quan điểm với việc xây dựng đô thị thông minh của thành phố, các chuyên gia nước ngoài nhận định, thành phố thông minh đòi hỏi tất cả hệ thống giao thông, dịch vụ y tế, môi trường, an ninh thông minh. Muốn làm được điều này rất cần sự vào cuộc của các bên liên quan, cụ thể là người làm chính sách, công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, các đơn vị tích hợp hệ thống, nhà cung cấp dịch vụ quản lý,… cùng hướng đến mục tiêu chung là chuẩn hóa, tương thhích và giao tiếp lẫn nhau. Đây chính là mẫu số chung cũng như điều kiện cần để doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhằm giảm thiểu chi phí. Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, trong việc xây dựng đô thị thông minh, các cảm biến chế tạo bằng công nghệ vi cơ điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội như kích thước nhỏ gọn, tiêu thụ ít năng lượng, dễ dàng tích hợp. Do đó, các cảm biến được sử dụng để thu thập các số liệu quan trắc một các tự động, trực tuyến và chính xác. Bên cạnh đó, công nghệ vi cơ điện tử được xem là công nghệ khả thi cho phép phát triển các sản phẩm thông minh, làm tăng khả năng tính toán với sự tham gia điều khiển của các cảm biến và bộ thi hành, góp phần mở rộng khả năng thiết kế, kết nối và ứng dụng trong đô thị thông minh.
“Mong muốn thành phố sớm trở thành đô thị thông minh, cho nên TP HCM cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất cảm biến khởi nghiệp, kinh doanh tại thành phố” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. Song song đó, lãnh đạo thành phố cũng kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ TP HCM xây dựng đô thị thông minh thông qua sự phát triển của ngành công nghệ cao. Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố tập trung mọi nguồn lực xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, thành phố của kinh tế tri thức dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại.